Theo Daily Mail, manh mối đến từ một phù điêu hình lạc đà được tìm thấy vào năm 2018 tại tỉnh Al-Jouf thuộc sa mạc tây bắc Ả Rập Xê Út.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu tin rằng bức chạm khắc có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi, một phần vì nó trông giống với những bức phù điêu trên đá được tìm thấy ở thành phố đá nổi tiếng Petra ở Jordan.
Nhưng những nỗ lực xác định niên đại mới cho thấy bức chạm khắc cổ xưa hơn nhiều. Nó có niên đại 8.000 năm, có lẽ được hình thành vào khoảng năm 6.000-5.000 trước Công nguyên, khi vùng sa mạc khô cằn này còn là "một thảo nguyên rải rác các hồ nước và cây cối".
Đây là thành quả của nghiên cứu quốc tế từ Bộ Văn hóa Ả Rập Xê Út, Viện Max Planck về Khoa học lịch sử nhân loại, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp và Đại học King Saud.
Phát hiện trên khiến các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc bởi phù điêu lạc đà và một số tác phẩm phù điêu quanh đó được chế tác bằng một kỹ thuật vô cùng tinh tế. Các hình chạm khắc được đục vào các tảng đá tự nhiên tại khu vực này và chúng dường như thường ăn khớp với các thớ tự nhiên của đá. Điều này cho thấy người tạo ra chúng đến từ một nền văn minh phát triển "vượt thời gian" so với phần còn lại của thế giới.
Các nhà khoa học đã phân tích các dấu vết công cụ, dấu ấn thời tiết trên các bức chạm khắc, các mảnh vỡ và mật độ của các lớp trên cùng tảng đá để tìm ra dữ liệu về thời gian và khí hậu khi các tác phẩm được tạo ra. Đó có thể là một nền văn minh sơ khai của các bộ lạc sống bằng cách chăn thả gia súc, săn bắt lạc đà và ngựa hoang.
Những chi tiết trên phù điêu là bằng chứng sống động cho sự phát triển vượt bậc của một nền văn minh cổ đại. Trước đó, các nhà khoa học cũng từng tìm thấy dấu tích của những công trình đá, được tạo ra bởi các bộ lạc du mục ở Bắc Ả Rập Xê Út.
Minh Hoa (t/h)