Phát hiện đáng chú ý được công bố vào hôm 11/10 bởi các nhà khảo cổ học thuộc Cơ quan Cổ vật Israel (IAA).
Theo đó, địa điểm khai quật nằm ở thành phố Yavne từng là khu định cư của người Do Thái trong thời kỳ Đông La Mã. Tàn tích còn sót lại của nhà máy sản sản xuất rượu vang trải rộng 1 km2, bao gồm 5 máy ép nho, 4 nhà kho lớn để ủ rượu, các lò nung để làm ấm bình rượu cùng hàng chục nghìn mảnh vỡ cũng như mẫu vật nguyên vẹn của vò hai quai bằng đất sét.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện một cơ sở sản xuất rượu với quy mô thương mại ở Yavne. Những chiếc máy ép rượu còn được trang trí với các hốc hình ốc xà cừ, tiết lộ sự giàu có của chủ nhà máy", Tiến sĩ Elie Haddad từ IAA chia sẻ.
Những phát hiện này chứng minh Yavne từng là một trung tâm sản xuất rượu thịnh vượng trong thời kỳ Byzantine (330 đến 1453 sau Công nguyên) và được biết đến với những sản phẩm chất lượng cao. Các chuyên gia Israel thậm chí còn cho rằng đây là trung tâm sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới vào thời điểm đó với khả năng sản xuất khoảng 2 triệu lít mỗi năm, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Theo IAA, thành phố đã sản xuất ra rượu vang Yavne, còn được gọi là rượu vang Đất Thánh hay rượu vang Gaza và Ashkelon, nổi tiếng quốc tế. Kỹ thuật lên men nước ép nho thành rượu đã phổ biến từ thời cổ đại như một cách để tránh bệnh tật khi nguồn nước uống bị ô nhiễm. Ấn tượng hơn, toàn bộ quá trình từ sản xuất đến đóng gói rượu đều được thực hiện thủ công.
Theo Tiến sĩ Jon Seligman, một trong những nhà khảo cổ đứng đầu dự án, rượu Gaza là thương hiệu hàng đầu khu vực: "Đây thực sự là một loại rượu vang trắng nhẹ tuyệt ngon, được chuyển đến rất nhiều quốc gia xung quanh Địa Trung Hải, chẳng hạn như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,… thậm chí cả nước Ý". Rượu sẽ được gửi đến các cảng Gaza và Ashkelon, từ đó xuất khẩu sang châu Âu.
Tiến sĩ Seligman cho biết thêm: "Vào thời cổ đại, rượu vang vô cùng quan trọng, chúng không chỉ là một sản phẩm xuất khẩu mà còn dùng cho nhiều mục đích khác. Đầu tiên, đây là một thức uống mang lại nguồn dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, vì nước thường bị ô nhiễm nên họ coi rượu là một thức uống an toàn, họ thường sử dụng rượu trong thực đơn mỗi ngày".
Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những chiếc máy ép rượu từ thời kỳ Ba Tư có tuổi đời lên tới 2.300 năm tại cùng một địa điểm, minh chứng cho truyền thống lâu đời của thành phố trong sản xuất rượu vang.
Tại Yavne, họ còn khai quật được một số đèn dầu, đồ chơi trẻ em, cũng như các vật dụng từ thời kỳ sau. Thành phố Yavne được cho là thành lập vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên bởi người Canaan, cộng đồng từng sinh sống tại các vùng đất của Syria, Jordan, Israel và Palestine ngày nay.
Minh Hoa (t/h)