Nhiều cá nhân sử dụng mạng xã hội bán mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/3, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cho biết, nhằm thực hiện Kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024, các đội QLTT (thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang) đã phát hiện nhiều cá nhân dùng tài khoản mạng xã hội Facebook để đăng bài và livestream bán mỹ phẩm là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, qua theo dõi, thẩm tra, xác minh thông tin về 2 tài khoản Facebook đăng bài bán hàng có dấu hiệu là hàng nhập lậu; ngày 27/02 và 04/3/2024, Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang) kiểm tra đột xuất tại 2 địa điểm kinh doanh trên tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).
Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở đang buôn bán thực phẩm (bánh ăn dặm cho bé, hạt nêm cho bé, trà lúa mạch), mỹ phẩm (sữa rửa mặt, kem tẩy lông) nhưng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp; trị giá tang vật vi phạm hơn 7.500.000 đồng.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, vào các ngày 1/3 và 7/3 Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt 2 cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 7.000.000 đồng.
Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên. Hiện nay, các cơ sở đã nộp tiền phạt và thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Tiếp đó, ngày 6/3/2024, đội QLTT số 2 (thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang) cũng đã phát hiện một cá nhân dùng tài khoản mạng xã hội Facebook để đăng bài và livestream bán mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sau khi xác định địa điểm kinh doanh của cá nhân trên, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh tại thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang kinh doanh gần 700 sản phẩm mỹ phẩm gồm sơn, vẽ móng tay, kem dưỡng trắng da, vuốt tóc… không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn hàng hóa và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa).
Đến ngày 11/3/2024, Đội QLTT số 2 đã xử phạt cơ sở nêu trên số tiền 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá gần 7 triệu đồng.
Sử dụng mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc là hành vi vi phạm pháp luật
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời đại công nghệ số đem lại nhiều điểm mạnh, lợi thế cho thị trường kinh tế, đồng thời đem lại nhiều phương tiện, cách thức làm giàu mới cho người dân, đặc biệt là những thế hệ người trẻ nhanh chóng hội nhập với sự phát triển công nghệ, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, giúp sản phẩm dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn.
Mạng xã hội những năm gần đây đã trở thành một trong các kênh bán hàng tiềm năng, thu hút sự góp mặt, tham gia thị trường của rất nhiều cá nhân, đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện, tồn tại rất nhiều các hạn chế của việc sử dụng mạng xã hội khi nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán các mặt hàng bị pháp luật nghiêm cấm, hạn chế hay thậm chí bán các mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xử nhằm trục lợi.
Đây là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận suốt thời gian qua. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý những hành vi buôn bán các mặt hàng nhâp lậu, không rõ nguồn gốc nhưng việc xử lý chưa mạnh tay, chưa triệt để, xử lý thưa thớt nên dẫn đến không đạt được kết quả như mong muốn.
Hiện nay, phần đông lực lượng bán hàng online là một số Tiktoker, KOL, người nổi tiếng … đang sử dụng sự nổi tiếng của mình để kinh doanh và kiếm được lượng thu nhập khổng lồ từ bán hàng online.
Điều đáng nói, là rất nhiều sản phẩm đang được rao bán trên các trang mạng xã hội hiện nay là những sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, và những nhà bán hàng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ về nguồn gốc sản phẩm nào khi bị kiểm tra.
Các sản phẩm này thậm chí có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, gây thiệt hại đến uy tín thương hiệu, ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường và làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào các kênh bán hàng trực tuyến. Đây là hiện tượng đáng báo động, cần phải xử lý thật triệt để.
Tại một số địa phương, cơ quan kiểm tra chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hoặc có lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý vi phạm nhưng chưa thường xuyên, đồng thời lực lượng kinh doanh trực tuyến được trải dài trên rất nhiều các lĩnh vực, mặt hàng sản phẩm, do đó việc kiểm tra chưa thực sự đạt được hiệu quả.
Công tác kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành cần được diễn ra chặt chẽ, thường xuyên, mạnh mẽ hơn giữa y tế, thuế, phòngcảnh sát kinh tế, phòng an ninh mạng và các cơ quan chức năng khác nhằm trấn áp, xử lý nghiêm đối với các trường hợp quảng cáo, thông tin sai quy định, kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, cần có các biện pháp chế tài thật nặng đối với những trường hợp trên nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Hành vi sử dụng mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến cao nhất là 50.000.000 đồng. Mức xử phạt sẽ gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm khi hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế …
Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung bằng cách tịch thu tang vật, phương tiện, đồng thời buộc tiêu hủy tang vật và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Buôn lậu theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Để tránh mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc, người dân khi lựa chọn mua các sản phẩm, hàng hóa trên mạng xã hội nên lựa chọn các cá nhân, đơn vị uy tín hoặc các gian hàng chính hãng được chứng nhận bởi các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thật kỹ về mặt hàng mình sẽ mua để có thể phân biệt được các mặt hàng không chính hãng, đồng thời, không nên ham rẻ mà mua phải các mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
Trong trường hợp mua nhầm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần liên hệ trực tiếp với người bán hàng để yêu cầu đổi trả, bồi thường, đồng thời phải phản ánh ngay đến các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đề nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.