Cùng với tin đồn cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc là những câu cửa miệng của người dân địa phương, đại loại như “Kiểm lâm bây giờ cũng có nhiều loại lắm…”. Bên cạnh cái nghĩa bóng hàm ý sâu xa, cái nghĩa đen lại khẳng định điều đó là có thực.
Theo quy định, Hạt Kiểm lâm thuộc VQG Phong Nha- Kẻ Bàng là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc BQL Vườn, mà VQG Phong Nha- Kẻ Bàng là đơn vị thuộc UBND tỉnh Quảng Bình. Còn các hạt kiểm lâm địa phương là cơ quan quản lý nhà nước thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh (chịu sự quản lý của sở NN PTNT). Đây cũng là vấn đề làm nảy sinh sự chồng chéo trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, việc 3 cây gỗ sưa tại rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị triệt hạ kéo theo nhiều hệ lụy sau đó. Trách nhiệm này thuộc về cả 2 lực lượng kiểm lâm trên; chủ rừng là VQG và cơ quan quản lý nhà nước là chi cục kiểm lâm tỉnh. Rõ ràng, công tác quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã bộc lộ nhiều yếu kém. Sau khi vụ việc triệt hạ 3 cây gỗ sưa xảy ra, hàng ngàn người dân đổ xô vào rừng tìm kiếm, cướp giật gỗ, quý gây mất an ninh trật tự.
Trong mấy năm gần đây, các xã nằm trong vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch thuộc huyện Bố Trạch) luôn được xem là điểm nóng về phá rừng. Và chuyện lâm tặc móc nối với kiểm lâm, người dân tiếp tay cho lâm tặc phá rừng là điều không tránh khỏi. Khi tin đồn về gỗ sưa ở hung Trí đang nóng, chưa có lối thoát, ngày 6/5, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp khẩn để chỉ đạo xử lý. Sau cuộc họp này, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã “qua mặt” Hạt kiểm lâm của Vườn lập công, thu giữ 5 tấm gỗ sưa, nặng 366kg chuyển từ bìa rừng ra. Trước đó, hàng trăm kiểm lâm viên của Vườn cắm cả ngày lẫn đêm với nhiều trạm chốt nhưng không thu nổi một que. Muối mặt, sau đó 4 ngày (ngày 11/5), Hạt kiểm lâm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng loan báo vừa bắt giữ được 4 phách gỗ sưa tương đương 300kg. Người dân nhận ra rằng, việc bắt gỗ sưa không hề khó như lâu nay các lãnh đạo phát biểu.
Trở lại với diễn biến 32m3 gỗ sưa tại hung Trí bị khai thác, cho thấy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Nguồn tin riêng của Người đưa tin cho biết, có khoảng hơn 1/3 số lượng gỗ này đã được vận chuyển trót lọt về TP Đồng Hới; số còn lại đang nằm trong rừng Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng đã được bọn lâm tặc vận chuyển cất giấu ở đỉnh Nước Vàng. Chiều ngày 15/5, một nhóm sơn tràng ở thôn 4, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã nhìn thấy 7 hầm chứa hơn 30 phách gỗ sưa hàng mặt cất giấu tại đỉnh Nước Vàng. Khi nhóm này định lấy trộm mang về, đã bị 4 tay súng uy hiếp. Thông tin bị lọt ra ngoài, đã có hàng kéo hàng trăm người dân địa phương và hàng chục xã hội đen ở TP Đồng Hới quay trở lại rừng để tìm kiếm gỗ sưa.
Kiểm lâm cần có sự thống nhất
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phát biểu: “Lực lượng kiểm lâm cần thống nhất từ trung ương đến địa phương mới tạo ra sức mạnh tổng hợp; có tính chuyên nghiệp mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Câu nói này của ông Thái muốn ám chỉ, lực lượng kiểm lâm thuộc VQG lâu nay làm việc không có hiệu quả.
Đề nghị sớm làm rõ hành vi phạm pháp Tổng cục Lâm nghiệp vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bìn. Văn bản này đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ quý hiếm tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và sớm làm rõ hành vi phạm pháp, xử lý theo pháp luật, thu hồi gỗ quý về cho Nhà nước. Tổng cục Lâm nghiệp cũng yêu cầu Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng phối hợp với các lực lượng chức năng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại lâm phần mình quản lý. |
Xuân Hồng