Ngày 18/6, tin từ UBND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, đơn vị vừa có văn bản chỉ đạo Công an huyện này phối hợp cùng Công an huyện Ngọc Hiển và đồn Biên phòng Tam Giang Tây điều tra, xác minh xử lý việc tàu mang số hiệu Hải Phòng vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cà Mau.
Theo đó, ngày 11/6, đồn Biên phòng Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển phát hiện sà lan Việt Hoàng 10 (số đăng ký HP4399) đang chở đầy cát. Tại thời điểm kiểm tra, sà lan Việt Hoàng không có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của phương tiện (chỉ có bản phô tô công chứng-PV); không có hóa đơn của khoảng 900m3 cát mà sà lan đang chở.
Qua điều tra, xác minh ban đầu, sà lan Việt Hoàng của công ty TNHH đầu tư, xây dựng, vận tải Việt Hoàng, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng do ông Nguyễn Đình Kiên làm Giám đốc công ty.
Sà lan trên được giao cho ông Nguyễn Trung Thiêm, 49 tuổi, ngụ quận Kiến An, TP.Hải Phòng quản lý và ông Vũ Văn Thương, 53 tuổi, ngụ huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng làm thuyền trưởng, kiêm máy trưởng.
Đầu tháng 6/2020, ông Thiêm nhận yêu cầu bằng miệng của công ty đưa sà lan Việt Hoàng từ Hải Phòng đến vùng biển tỉnh Cà Mau để thăm dò, khai thác cát. Mục đích là bán lại theo hợp đồng cho đơn vị thi công trụ sở Hải Quân vùng 5 (thuộc xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).
Đến ngày 10/6, sà lan đến vùng biển xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, thì tiến hành thăm dò, khai thác cát theo kế hoạch. Tại đây, sau 3 lần thăm dò, sà lan phát hiện có cát đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu nên tiến hành bơm, hút cát lên tàu.
Một ngày sau đó, ông Thiêm cho sà lan vào đến cửa biển Bồ Đề thì bị lực lượng Biên phòng Tam Giang Tây phát hiện bắt giữ. Tại thời điểm bị bắt giữ, sà lan Việt Hoàng có tổng cộng 31 máy dùng để bơm, hút cát, tất cả các máy đều có liên kết với đầu bơm, hút và ống nhựa (vòi rồng).
Trong đó, có 28 máy dùng để hút cát từ đáy biển lên tàu, 2 máy dùng để bơm cát từ tàu lên bờ và 1 máy dùng để hút nước trong lúc bơm cát lên tàu ra ngoài.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Thiêm và các thành viên trên tàu đều thừa nhận hành vi khai thác cát tại vùng biển Cà Mau để bán lại là vi phạm pháp luật.
Đồng thời, những người trên sà lan khai nhận ông Thiêm và những người này được công ty thuê theo mùa vụ, khi nào có việc thì thuê đi, không có bảo hiểm, không có hợp đồng lao động.
Đây là lần đầu phương tiện đến vùng biển Cà Mau thăm dò, khai thác cát để bán lại, nhưng nếu có lợi nhuận thì sẽ bơm hút cát bán tiếp.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra và củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.