Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015.
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ khá nhiều tồn tại, vi phạm của ACV trong hầu hết các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn…
Đấu thầu chỉ có một nhà thầu
Theo đó, tại Gói thầu 10A, 10B thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản), khi tổ chức đấu thầu rộng rãi thì chỉ có một nhà thầu tham dự với giá bỏ thầu cao hơn giá gói thầu đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, thay vì cho tổ chức đấu thầu lại hoặc làm rõ sự chênh lệch giá với nhà thầu thì Tổng công ty Cảng Hàng không miền Bắc (là chủ đầu tư, thuộc ACV) đã phê duyệt luôn giá đấu thầu bằng giá bỏ thầu của nhà thầu.
Thanh tra Chính phủ kết luận: Gói thầu 10A, 10B được đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán là hơn 1,4 tỷ đồng.
Cũng tại kết luận nói trên, nhiều sai phạm về đất đai của ACV giai đoạn này được chỉ rõ.
Cụ thể, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là hơn 297 tỷ đồng. Do ACV sử dụng sai nguồn vốn để đầu tư nên phần chi phí sửa chữa lớn trích trước nêu trên không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì vậy, ACV phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 62 tỷ đồng.
Thiếu trung thực khi định giá doanh nghiệp trước cổ phần hóa
Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, ACV cũng để xảy ra sai phạm trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp. Theo đó, từ 31/7/2014 đến 31/12/2015, khi xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa, ACV đã loại giá trị các tài sản khu bay do không còn quyền sở hữu.
Tuy nhiên sau khi cổ phần hóa, ACV vẫn tiếp tục khai thác sử dụng, quản lý, hạch toán và trích khấu hao các tài sản này vào chi phí sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hơn 903 tỷ đồng.
Từ đó Thanh tra Chính phủ đề nghị phải loại khoản chi phí này và truy thu ACV gần 700 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất
Trong công tác quản lý, sử dụng đất của ACV, Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Cảng vụ hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao đất với diện tích 2.888,27 ha/2.888,27 ha đất (100%). ACV cũng chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 197,30 ha/197,30 ha đất (100%), dẫn đến ACV thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước với số tiền 330 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích 2,931 ha đất.
Đồng thời, ACV chưa làm thủ tục thuê 1,924 ha đất đối với Nhà nước theo quy định khi chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, dẫn đến chưa có cơ sở để nộp tiền thuê đất, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.
Ngoài ra, từ năm 2007 đến tháng 12/2014, ACV đã thực hiện trích trước và trích vượt tiền thuê đất đối với các diện tích phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, nhưng không nộp tiền thuê đất, không hoàn nhập kịp thời phần chênh lệch giữa số trích vượt và số tiền thuê đất thực phải nộp làm tăng chi phí sản xuất không đúng, dẫn đến phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước số tiền là 309 tỷ đồng, trích Quỹ Đầu tư phát triển để lại ACV 132 tỷ đồng.
ACV không thực hiện đấu thầu theo quy định mà thực hiện chỉ định thầu cho thuê hầu hết mặt bằng để kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không từ năm 2010 (chỉ tính riêng năm 2014, 2015 ACV đã ký 803 hợp đồng với số tiền là 701 tỷ đồng).
Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý ACV số tiền là hơn 3.600 tỷ đồng và 7.000 ha đất.
Đồng thời, kiến nghị đối với các bộ: Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan cần chỉ đạo và thực hiện việc xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Trước đó, ngày 21/12/2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, theo đó Phó Thủ tướng đã đồng ý với kết luận nêu trên của Thanh tra Chính phủ.