Ngày 10/5, ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết, chính quyền địa phương đã cùng các lực lượng chức năng đến hiện trường xem xét và xác định vị trí tàu xả bùn thải ra biển do người dân phản ánh.
“Chúng tôi đã báo cáo sự việc với sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An. Nếu là bùn thải nguy hại có thể dẫn đến hậu quả khôn lường...”, ông Tuy nói.
Theo phản ánh của người dân địa phương, khoảng một tuần nay, tại vùng biển gần bờ, giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá, xuất hiện những tàu xà lan lạ. Mỗi ngày, có khoảng 7 - 10 lượt tàu đến đây để tiến hành đổ bùn thải. Cùng thời điểm này, vùng biển ở đây có hiện tượng nước bị chia làm 3 màu: Gần bờ là màu đen, cách bờ khoảng 35 - 40m là màu đục, phía ngoài là màu xám.
Đặc biệt, có thời điểm luồng nước đục, đen còn kéo theo vào tận gần cửa Lạch Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (cách vị trí đổ thải khoảng 8km). Phản ánh trên đã được các cơ quan chức năng tại thị xã xác nhận là đúng thực tế.
Trong Báo cáo nhanh số 17/BC-UBND của UBND thị xã Hoàng Mai, những tàu sà lan trên được cho là của khu công nghiệp Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Chúng lấy bùn thải từ cảng biển Nghi Sơn chở ra vùng biển gần bờ giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá đổ.
Nhận được thông tin, vào ngày 9/5, chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, sở TN&MT Nghệ An phối hợp với phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai cũng đã tiến hành lấy mẫu nước tại khu vực xả thải bùn, để kiểm tra.
“Trong thời gian chờ kết quả phân tích mẫu nước biển, phía đơn vị sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn kiểm tra việc tàu xả bùn thải theo giấy phép; đánh giá cụ thể quy mô, phạm vi, mức độ tác động đến môi trường, hệ sinh thái trong khu vực đổ thải và vùng lân cận”, ông Hồ Sỹ Dũng, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, đồn Biên phòng Quỳnh Phương, tỉnh Nghệ An cũng đã có báo cáo. Trong đó nêu: “Quá trình tuần tra, kiểm tra phát hiện các phương tiện nạo vét, đổ thải không đúng vị trí như trong giấy phép, chủ yếu đổ tại tọa độ (X = 05.84600 – Y = 21.33138) cách ranh giới biển giữa Nghệ An và Thanh Hóa là 87m, cách bờ 112m; vật liệu khi đổ, thải xuống biển chủ yếu là bùn nạo vét.
Do quá trình đổ thải kết hợp với lưu lượng dòng chảy, gió, sóng đã đẩy bùn sang toàn bộ vùng biển Nghệ An, làm nước biển đổi màu đen, đỏ chảy dài từ các vị trí đổ thải đến hết khu vực cảng Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, ảnh hưởng đến quá trình khai thác hải sản và cuộc sống của người dân khu vực này".
Việc xả bùn thải này khiến nhiều người dân lo lắng nó sẽ có những tác động ảnh hưởng đến môi trường. Mọi người mong muốn sớm có kết quả để an tâm đánh bắt.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định do ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 28/4, nội dung cho phép Lọc hoá dầu Nghi Sơn xả thải trực tiếp ra biển. Nguồn tiếp nhận là nước biển ven bờ khu vực xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia. Thời hạn của giấy phép xả nước thải là từ 1/5/2017 đến hết 28/2/2018. |
Anh Ngọc