Theo Zing đưa tin, bệnh nhân 32 tuổi đến thăm khám định kỳ với tuổi thai 11 tuần 5 ngày. Qua kết quả hình ảnh siêu âm cho thấy thai nhi hai chân dính vào nhau giống như đuôi cá, bất thường ở bàng quang và hệ tiết niệu, dây rốn một động mạch.
Sau khi phát hiện, bác sĩ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm tầm soát bất thường nhiễm sắc thể, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng dị tật của thai nhi và tiến hành chấm dứt thai kỳ.
Bác sĩ Lương Kim Phượng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh chia sẻ với VTV News: Hội chứng người cá ở thai nhi có tỷ lệ 1/100.000 trẻ sơ sinh. Trẻ bị hội chứng người cá chỉ sống được từ vài giờ đến vài ngày do biến chứng liên quan đến sự phát triển và chức năng của thận.
Vì vậy, trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa, đặc biệt vào tuần thứ 8, 12, 22 và 32 của thai kỳ, để được sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các dị tật bẩm sinh và các bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi, từ đó sẽ can thiệp kịp thời mang đến sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Theo Vietnamnet, căn bệnh Sirenomelia hay còn gọi là hội chứng người cá là một loại dị tật đe dọa đến tính mạng của trẻ khi 2 chân của trẻ dính liền với nhau giống như đuôi cá.
Theo TS Lindsey Fitzharris, ĐH Oxford (Anh), hội chứng này xảy ra khi dây rốn của trẻ không thể hình thành 2 động mạch. Khi đó thân dưới của bào thai không được cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng khiến 2 chân không không thể tách rời.
Trẻ em mắc hội chứng này trên thế giới rất hiếm, với tỉ lệ khoảng 1/100.000 trẻ sơ sinh. Với những cặp sinh đôi cùng trứng, tỉ lệ này có thể cao gấp 100 lần.
“Phần lớn trẻ mắc hội chứng này tử vong sau vài ngày chào đời do suy thận và bàng quang. Một số trường hợp rất hiếm được ghép tận, nhưng tỉ lệ sống sót rất thấp", TS Lindsey cho hay.
Cho đến nay, trên thế giới mới ghi nhận một trường hợp cá biệt là Tiffany Yorks người Mỹ. Được phẫu thuật tách chân, Tiffany là người mắc hội chứng người cá sống lâu nhất từ trước đến nay. Cô qua đời ngày 24/2/2016 ở tuổi 27.
Phong Linh (tổng hợp)