Báo Thanh niên đưa tin, ngày 18/4, ông Trương Công Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết cùng ngày, đoàn kiểm tra của huyện này phát hiện thêm 1 đơn vị có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã.
Đơn vị phát hiện có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã là hợp tác xã Hà Long (địa chỉ tại bản Chăm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa), chuyên sản xuất đũa, giấy.
Theo đó, sáng 18/4, khi đoàn kiểm tra của huyện Quan Hóa tiến hành kiểm tra đã phát hiện hợp tác xã Hà Long có hành vi sử dụng hệ thống máy bơm nước và đường ống để bơm nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, đồng thời cho phá hủy toàn bộ hệ thống đường ống, yêu cầu hợp tác xã Hà Long không tiếp tục vi phạm, chờ cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để xử lý.
Theo báo Xây dựng, cũng trong ngày 18/4, đoàn kiểm tra phát hiện thêm tại khu vực sản xuất của công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân, có địa chỉ tại khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa có đường ống chôn sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra vẫn đang đấu tranh, làm rõ xem doanh nghiệp này có hành vi chôn đường ống ngầm để xả thải trái phép ra sông Mã hay không.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng huyện Quan Hóa đã phát hiện và xác định được 2 đơn vị có hành vi xả thải trái phép hoặc để nước thải từ quá trình sản xuất chảy ra sông Mã gây ô nhiễm.
Cụ thể, tối 14/4, đoàn kiểm tra của huyện Quan Hóa đã bắt quả tang hợp tác xã Xuân Dương (địa chỉ tại khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) xả nước thải trái phép ra sông Mã, bằng đường ống nhựa, chôn ngầm dưới lòng đất.
Theo báo Công lý, sông Mã bị ô nhiễm hơn 1 tháng qua, đã khiến hơn 50 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy bị chết. Nhiều loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã cũng chết bất thường.
Các cơ quan chức năng huyện Bá Thước vào cuộc một cách quyết liệt đã phát hiện 4 công ty xả thải trực tiếp ra sông Mã. Nhà chức trách đang đấu tranh để xác định số lượng, mức độ nguy hiểm của hóa chất đã đổ ra môi trường.
Lãnh đạo huyện Bá Thước đã kiến nghị cấp trên thu hồi giấy phép của các cơ sở vi phạm, buộc di dời nhà máy vào cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi và xử lý nước thải, chất thải nguy hại tới môi trường.
Công ty CP cấp nước Thanh Hóa đã phải ngừng sản xuất và cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch thị trấn Phong Sơn (huyện Cẩm Thủ) bắt đầu từ ngày 15/4. Cơ quan này lo ngại nước sông Mã qua địa bàn huyện Cẩm Thủy và cả phía thượng lưu đang bị ô nhiễm, có màu đen, mùi hôi tanh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện UBND các huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành khẩn trương giám sát chặt chẽ khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân.
Hướng dẫn người nuôi theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày và vệ sinh lồng để lưu thông dòng chảy; dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan; khi môi trường nước có biến động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi, cần di chuyển lồng nuôi đến khu vực môi trường nước tốt hơn…
H.H (tổng hợp)