Bản chất và nguồn gốc của 13 vụ nổ sóng radio nhanh (hay còn được gọi là FRB) được phát hiện gần đây vẫn còn là một ẩn số.
Theo BBC đưa tin, các nhà thiên văn học đã nghi ngờ về việc tất cả các tín hiệu này đều đến từ cùng một nguồn phát, cách đây 1,5 tỷ năm ánh sáng - theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Trước đây cũng đã có một phát hiện như vậy bởi một kính thiên văn khác.
Ông Ingrid Stairs, một nhà vật lý thiên văn thuộc đại học British Comlumbia (UBC) cho biết: "Với nhiều lần lặp đi lặp lại FRB và những nguồn có sẵn để nghiên cứu, chúng ta có thể sắp khám phá được câu đố vũ trụ này - chúng đến từ đâu và nguyên nhân gây ra".
Loạt tín hiệu mới được ghi nhận bởi đài thiên văn CHIME, đặt tại Thung lũng Okanagan ở British Columbia, nơi có 4 ăng ten hình trụ dài 100m có thể quét toàn bộ bầu trời phía Bắc mỗi ngày. Chiếc kính thiên văn mới được sử dụng một năm và nó đã phát hiện 13 vụ nổ sóng radio gần như ngay lập tức.
“Chúng tôi đã phát hiện ra vụ nổ thứ hai và các thuộc tính của nó rất giống với lần thứ nhất. Điều này cho chúng ta biết nhiều hơn về các tính chất của các vụ nổ lặp lại”, chuyên gia Shriharsh Tendulkar từ đại học McGil cho hay.
FRB là những tia ngắn, chớp sáng của sóng radio và dường như đến từ phần bên kia của vũ trụ. Các nhà khoa học đã phát hiện 60 vụ nổ sóng radio nhanh nhưng họ tin rằng có thể có tới hàng ngàn FRB đi qua trên bầu trời mỗi ngày.
Nguồn gốc của các tín hiệu này vẫn chưa được biết đến, một số lý thuyết cho rằng, đây có thể là một ngôi sao neutron có từ trường rất mạnh đang quay rất nhanh, hai ngôi sao neutron đang hợp nhất với nhau hoặc thậm chí là một dạng tàu vũ trụ ngoài hành tinh.
Kiều Trang