Năm 2019 các nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Đông Bohemia tại Hradec Králové, Cộng hòa Czech đã tìm thấy ngôi mộ cổ từ khoảng thế kỷ thứ 5.Cho đến gần đây, họ mới mô tả phát hiện ban đầu hôm 4/3 trên website của viện bảo tàng.
Đáng chú ý, bên trong ngôi mộ cổ có rất nhiều đồ vật dát vàng, bạc, đá quý như trang sức đội đầu trang trí nhiều mảnh vàng, đĩa vàng, chìa khóa. Ngoài ra còn có nhiều hạt thủy tinh, lược chải tóc bằng xương, một chiếc nồi sứ cũng như con dao sắt.
Có năm ngôi mộ khác ở nghĩa trang chứa hài cốt nhưng mọi đồ vật quý giá đã bị trộm mất, chỉ còn lại một vài đồ mai táng như dao và kiếm.
Tất cả người được mai táng ở khu mộ đều trong độ tuổi 16 - 55 vào thời điểm tử vong nhưng phần lớn hài cốt đã bị phá hủy tới mức không thể xác định giới tính.
Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ từng bộ xương đã giúp các nhà nghiên cứu thu được một số manh mối. Cụ thể họ cho biết một thi thể có dấu vết của bệnh ung thư, một số có dấu hiệu bệnh viêm khớp...
Chủ nhân của ngôi mộ cổ nhiều vàng bạc là một người phụ nữ khoảng 35 - 40 tuổi khi qua đời. Họ xác định trên chiếc khóa bạc có các mảnh vải, là 2 loại vải dệt khác nhau, một loại đi kèm khóa và loại kia có thể là vải phủ trên thi thể người phụ nữ ở tang lễ. Dấu vết của da và lông thú cũng được tìm thấy ở chiếc khóa.
Phân tích hũ gốm cho thấy dấu vết hóa học của chất béo và axit, chứng tỏ nó từng được dùng để nấu nướng và đựng thịt. Những kiểm tra khác bao gồm xác định niên đại bằng đồng vị carbon sẽ giúp ước tính chính xác độ tuổi của ngôi mộ. Bằng chứng về tỷ lệ đồng vị oxy có thể hé lộ người đã khuất là cư dân trong vùng hay từ nơi khác đến. Phân tích xương sẽ giúp tìm hiểu người cổ đại ăn gì và chế độ ăn đó có thay đổi nhiều trong cuộc sống của họ hay không.
Minh Hoa (t/h)