Thành phố David, Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan công viên và tự nhiên Israel cùng ra thông báo về việc phát hiện viên đá thạch anh tím tử đinh hương có thể chứa hình khắc đầu tiên mô tả loài cây từng được nhắc tới trong Kinh Thánh cũng như ghi chép lịch sử Do Thái.
Theo các nhà khảo cổ học, viên đá rơi xuống một cống nước ở Jerusalem từ thời Đền thờ thứ hai trong lịch sử Do Thái, kéo dài từ năm 516 trước Công nguyên đến năm 70. Trong những thập kỷ cuối cùng trước khi kết thúc thời kỳ này, một người Do Thái hành hương bước trên con đường nối liền suối Shiloah Pool ở ngoại ô Jerusalem với Núi Đền. Người này đeo một chiếc nhẫn tinh xảo gắn viên đá màu tím lilac có hình khắc. Tuy nhiên, có thể do đám đông và tình huống hỗn loạn, viên đá rơi ra khỏi nhẫn và lăn xuống đường cống dưới lòng đất.
Gần 2.000 năm sau, món cổ vật nhỏ bé này mới được tìm thấy. Công tác khai quật được tiến hành tại nền móng của bức tường phía tây thành phố David. Những tình nguyện viên tham gia dự án "Trải nghiệm khảo cổ" ở vườn quốc gia Emek Tzurim đã phát hiện ra viên đá quý trên.
Khối đá có hình bầu dục, dài xấp xỉ 10 mm, rộng 5 mm, khắc hình một con chim (có thể là chim bồ câu) và một cành balsam có 5 quả.
Giáo sư Shua Amorai-Stark, chuyên gia về khắc đá quý, cho biết các hình khắc từng được phát hiện thường là hình các loại thực vật phổ biến ở Israel vào thời kỳ đó như cây nho, chà là và ô liu. Nhưng nhành cây dài có 5 quả khắc trên viên đá có vẻ khác những hình khắc cùng thời đại.
“Chúng tôi ngay lập tức nhận thấy loài cây xuất hiện trên viên đá không giống bất kỳ loại cây nào mà chúng tôi từng biết trong các phát hiện trước", Giáo sư Shua nhấn mạnh.
Theo IB Times, loài cây được khắc trên viên đá tím là cây balsam, có tên khoa học Commiphora gileadensis. Ngoài dùng để sản xuất nước hoa, người cổ đại còn sử dụng loài cây này làm hương, thuốc và dầu xức.
Minh Hoa (t/h)