Phát hiện xác tàu đắm của cướp biển chứa đầy "kho báu"

Thứ 4, 14/08/2024 13:00

Số hàng hóa tìm thấy trên tàu đắm liên quan đến băng cướp biển Barbary khét tiếng đã gây ra nỗi kinh hoàng trên Biển Địa Trung Hải.

image

Những người săn tìm xác tàu đắm đã phát hiện ra tàn tích của một con tàu cướp biển nhỏ từ thế kỷ 17, được gọi là tàu cướp biển Barbary, ở vùng nước sâu giữa Tây Ban Nha và Ma Rốc.

Nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley, tổng biên tập tạp chí Wreckwatch và là người nghiên cứu về phát hiện này, cho biết với Live Science rằng xác tàu đắm này là "tàu cướp biển Algiers đầu tiên được tìm thấy ở giữa biển Barbary".

Phát hiện xác tàu đắm của cướp biển chứa đầy

Con tàu cướp biển 600 năm tuổi được phát hiện dưới đáy biển Địa Trung Hải. Nguồn ảnh: Seascape Artifact Exhibits Inc

Những người phát hiện ra tàu cho biết con tàu này được trang bị vũ khí hạng nặng và có thể đang hướng đến bờ biển Tây Ban Nha để bắt người dân làm nô dịch thì bị chìm.

Trên tàu có rất nhiều nồi và chảo được sản xuất tại thành phố Algiers của Bắc Phi, có lẽ những tên cướp biển đã ngụy trang thành một tàu buôn.

Công ty Odyssey Marine Exploration (OME) có trụ sở tại Florida đã xác định được vị trí đắm tàu vào năm 2005 trong quá trình tìm kiếm tàn tích của tàu chiến Anh HMS Sussex có 80 khẩu pháo, bị mất tích tại khu vực này vào năm 1694.

Phát hiện xác tàu đắm của cướp biển chứa đầy

Trên tàu có một ống nhòm hiếm của châu Âu cũng như đồ gốm từ các quốc gia khác. Nguồn ảnh: Seascape Artifact Exhibits Inc

Greg Stemm, người sáng lập OME và là trưởng nhóm thám hiểm cho biết, chuyến thám hiểm năm 2005 cũng phát hiện ra xác tàu La Mã và Phoenicia cổ đại trong khu vực. Tin tức về vụ đắm tàu Corsair chỉ mới được công bố trong một bài viết mới của Stemm trên Wreckwatch, sau quá trình nghiên cứu lịch sử sâu rộng.

Những tên cướp biển đáng sợ

Những tên cướp biển Barbary chủ yếu là người Hồi giáo và bắt đầu hoạt động vào thế kỷ 15 ở Algiers, khi đó là một phần của Đế chế Ottoman.

Phần lớn bờ biển phía tây của Bắc Phi, từ Ma Rốc đến Libya ngày nay, vào thời điểm đó được gọi là "Bờ biển Barbary" — một cái tên bắt nguồn từ người Berber sống ở vùng này. Cướp biển ở đây là mối đe dọa lớn trong hơn 200 năm, chúng chuyên cướp tàu thuyền và tiến hành các cuộc tấn công nô lệ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương của châu Âu.

Những người bị bắt trong các cuộc truy quét nô lệ bị giữ để đòi tiền chuộc hoặc bị bán làm nô lệ ở một số quốc gia Hồi Giáo ở Bắc Phi, cho đến đầu thế kỷ 20.

Phát hiện xác tàu đắm của cướp biển chứa đầy

Cướp biển Barbary là mối đe dọa lớn ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Nguồn ảnh: Seascape Artifact Exhibits Inc

Tuy nhiên, hoạt động của cướp biển Barbary đã kết thúc vào đầu thế kỷ 19, khi chúng bị các nước Mỹ, Thụy Điển và Vương quốc Sicily ở miền nam Italy tiến hành nhiều cuộc chiến tranh đánh bại.

Con tàu đắm

Xác con tàu nằm dưới đáy biển ở eo biển Gibraltar, ở độ sâu khoảng 830 mét. Con tàu dài khoảng 14 m, gọi là tàu Tartane - đây là một con tàu nhỏ có cánh buồm tam giác trên hai cột buồm cũng có thể di chuyển bằng mái chèo.

Kingsley cho biết, tàu Tartane được cướp biển Barbary sử dụng vào thế kỷ 17 và 18, một phần vì chúng thường bị nhầm là tàu đánh cá, nghĩa là các tàu khác sẽ không nghi ngờ có cướp biển trên tàu.

Những người săn tìm xác tàu đã khám phá con tàu cướp biển bị chìm bằng một phương tiện điều khiển từ xa (ROV), phát hiện ra con tàu được trang bị bốn khẩu pháo lớn, 10 khẩu súng xoay và nhiều súng hỏa mai cho khoảng 20 tên cướp biển.

Stemm cho biết thêm rằng con tàu bị đắm cũng được trang bị một "ống kính thiên văn" rất hiếm - một loại kính viễn vọng mang tính cách mạng vào thời điểm đó và có thể đã được lấy từ một con tàu châu Âu.

Các hiện vật là bằng chứng cho nhận định con tàu này là tàu cướp biển và chở rất nhiều hàng hóa bị đánh cắp.

Hải Vân (T/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.