Không dừng lại ở đó, mới đây, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát hiện, thu giữ hàng chục tấn mèo, chim (động vật hoang dã) vào thị trường Việt Nam tiêu thụ đã khiến không ít người dân lo ngại và đằng sau nó, không hẳn chỉ đơn thuần là lợi nhuận kinh tế?
Chim, mèo ùn ùn vào nội địa
Khoảng 22h ngày 10/5, trong khi làm nhiệm vụ tại Km201 quốc lộ 18A, đoạn qua huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đội Tuần tra kiểm soát giao thông 1- 4 đã phát hiện xe ô tô BKS 14C-02565 có dấu hiệu bất thường. Khi kiểm tra xe, lực lượng chức năng phát hiện 4 tấn mèo sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Cũng qua công tác thanh kiểm tra, lái xe được xác định là Chu Văn Tiến (23 tuổi), trú xóm 7, Đông Hà, huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình. Tiến khai nhận mua số mèo trên từ Móng Cái vận chuyển về Thái Bình bán kiếm lời?! Hiện tại, tang vật vụ án đang được cơ quan chức năng tiến hành phân loại, tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, rạng sáng ngày 17/4, tại khu vực trạm thu phí cầu Bãi Cháy, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 3.700kg mèo nhập lậu từ Trung Quốc qua đường bộ. Điều đáng nói, số mèo trên được chủ hàng khai nhận do ông Nguyễn Đức Cảnh (trú tại tỉnh Quảng Ninh) và ông Nguyễn Văn Đức (trú tại tỉnh Bắc Ninh) cùng nhau góp tiền mua hàng từ Trung Quốc, qua cửa khẩu Móng Cái trên đường đưa về Bắc Ninh tiêu thụ.
Kiểm tra, bắt giữ hàng nghìn con chim không nguồn gốc tại Quảng Ninh.
Bất lực?
TS.Nguyễn Thế Khôi, Viện nghiên cứu kinh tế thế giới cho biết: “Riêng với mặt hàng ăn uống, hiện có rất nhiều thông tin hàng Trung Quốc có bơm hóa chất, sử dụng các phụ gia công nghiệp gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng khiến không ít người dân đứng ra vận động, tẩy chay việc sử dụng mặt hàng đến từ nước này. Việc gà nhập lậu, hay cá, ếch nhập lậu thời gian qua được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến không ít người dân giật mình, lo lắng tới sức khỏe người sử dụng.
Chỉ cần so sánh một phép tính đơn giản, gà thải loại được bán với mức giá 5-6 nghìn đồng hay cá nhập lậu bán 10 - 15 nghìn đồng từ biên giới khi đưa về Việt Nam và bày bán tại các chợ với mức giá bán lẻ lên tới 55 - 75 nghìn đồng/kg, rõ ràng đây là bài toán kinh tế mà người kinh doanh sẵn sàng đầu tư và bỏ vốn ra kinh doanh. Đạo đức kinh doanh có sự khác biệt ở chỗ, người làm ăn chân chính không bao giờ đánh đổi sức khỏe của cộng đồng để đổi lại khoản lợi nhuận phi nhân đạo như vậy mà chỉ có những người làm ăn chộp giật, đặt lợi nhuận lên hàng đầu mới làm ăn kiểu như vậy”.
Cũng theo TS. Khôi, việc hàng hóa nhập lậu, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian gần đây nở rộ cũng là điều đáng bàn, bởi nếu không có sự "bảo kê", làm ngơ trước các hành vi vi phạm liệu những mặt hàng này có qua được tầm kiểm soát của các lực lượng như Biên phòng, Công an, Hải quan và lực lượng quản lý thị trường hay không?! Đó còn chưa kể tới những quốc gia lân cận như chúng ta, tại sao họ không xảy ra tình trạng nhập lậu gia cầm, thủy sản và bây giờ là động vật, động vật hoang dã và bày bán công khai mà thiếu sự kiểm tra, giám sát như vậy?
Đề cập tới vấn đề trên, ông Đỗ Hoài Nam, Phó cục trưởng cục Kiểm lâm cho biết: Trên nguyên tắc những cá thể mèo hay chim nhập lậu, khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sẽ bị lập biên bản, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với mặt hàng có hồ sơ chứng minh nguồn gốc thì cần phải xác minh, làm rõ mặt hàng, động vật đó có nằm trong phụ lục, danh sách cấm buôn bán hay không. Nếu không, mặt hàng đó vẫn được nhập, bày bán kinh doanh bình thường. Ngoài ra, động vật đó nằm trong phụ lục, danh sách cấm sẽ bị tịch thu, xử lý hành chính hay xử lý trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm.
Quỳnh Chi