Kiểm toán vấn đề dễ phát sinh tiêu cực
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023 sáng 27/9, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2022 việc triển khai các Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH theo nhiệm vụ được phân công, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực tham gia và đóng góp các ý kiến có chất lượng vào kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát.
Điển hình như đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thực hiện và đề cương chi tiết của cuộc giám sát theo yêu cầu của một số Đoàn giám sát.
Trong đó, có đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong Đề cương báo cáo để phù hợp với hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, căn cứ Kế hoạch chương trình giám sát, Đề cương giám sát của các Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng giai đoạn phù hợp với phạm vi, nội dung, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát và sẵn sàng tham gia phục vụ các Đoàn giám sát tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi có yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hàng năm (tối thiểu trước 1 năm).
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn và Kế hoạch kiểm toán hàng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành Ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Để đảm bảo bám sát với yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến Kế hoạch kiểm toán hàng năm cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định Kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề
Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những tồn tại hạn chế trong hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội; lĩnh vực có nhiều điểm nghẽn, vướng mắc.
Bên cạnh đó là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tổ chức quản lý điều hành và đòi hỏi cần phải có trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát để tập trung giám sát mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát.
Bà Phạm Thúy Chinh cũng đề nghị nghiên cứu cải thiện phương thức dự báo, lập kế hoạch giám sát trong hoạt động tổng thể của Quốc hội, theo đó cân đối thời gian giám sát hợp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ thời gian, nhân lực thực hiện các kế hoạch chuyên môn được phân công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần nghiên cứu phân công các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương;
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của các cơ quan này trên địa bàn phụ trách.
Bên cạnh đó, bà Chinh cũng đề nghị khai thác tối đa kết quả các cuộc giám sát, các báo cáo thẩm tra của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội nếu có nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát để góp phần hạn chế hoạt động giám sát trực tiếp không cần thiết.
Xây dựng chương trình giám sát tổng thể thật khoa học, đồng bộ để giải quyết triệt để những trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Khi tiến hành triển khai Đoàn giám sát, cần khoanh lại các nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và qua giám sát phải làm rõ các trách nhiệm giải trình và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Đoàn giám sát nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân để thực hiện việc giám sát và có báo cáo chung, song khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng, nhưng không không bắt buộc, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và điều kiện của mỗi địa phương.