Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, chỉ mới 32% trẻ em được đội mũ bảo hiểm đúng quy cách
Mới đây, Hà Nội đưa ra quyết định sẽ mở đợt cao điểm xử lý các trường hợp trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông với mức phạt tương đương người lớn. Lẽ ra, quy định này sẽ không có gì phải bàn cãi khi số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy không hề giảm và tỉ lệ trẻ em bị tai nạn khi không đội mũ bảo hiểm ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về tính hiệu quả của quy định này khi tranh cãi về việc phân biệt độ tuổi của trẻ vẫn chưa ngã ngũ.
Nhiều phụ huynh vẫn phớt lờ quy định
Liệu có phớt lờ quy định
Nghị định 34/2010/NĐ - CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Nghị định này cũng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành những quy định về tiêu chuẩn, chất lượng mũ bảo hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân vẫn chưa cao, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy còn thấp.
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân, vừa qua, Hà Nội quyết định mở đợt cao điểm xử lý trẻ em trên 6 tuổi ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Phó Chánh văn phòng ban An toàn giao thông Hà Nội, ông Dương Xuân Bình cho biết, việc xử phạt này sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4 - 1/6 tới đây.
Ông Bình cho biết, mức xử phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy được áp dụng như người lớn. Đối tượng trực tiếp bị xử lý là phụ huynh của trẻ. Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tập trung xử phạt ở 3 quận trọng điểm là Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy.
Cụ thể, "Trong tháng 4, khi phát hiện phụ huynh chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, tuyên truyền. Sang tháng 5 - 6, nếu phát hiện phụ huynh chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử lý nghiêm, áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định 34", ông Bình nói.
Cũng theo số liệu mà Ban An toàn giao thông Hà Nội cung cấp, hiện nay tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở các trường tiểu học đạt thấp nhất so với khối THCS và THPT. Cụ thể ở quận Ba Đình đạt 9%, quận Đống Đa đạt 7,3% và quận Cầu Giấy là 11,4%.
Theo Nghị định 34, tất cả các em học sinh này đều phải đội mũ bảo hiểm nhưng trên thực tế, số học sinh đội mũ bảo hiểm không cao và đi kèm với đó là tai nạn giao thông liên quan đến các em, đặc biệt là bị chấn thương sọ não, nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong ở cả người lớn và trẻ em chiếm tới 70%.
Khi phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở trẻ em, nhiều chuyên gia cho rằng, sự thờ ơ, bất cẩn, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lớn khi tham gia giao thông đã làm tăng số vụ tai nạn giao thông ở trẻ em.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: "Việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đặc biệt là cho trẻ em ngồi trên xe máy chưa được cha mẹ quan tâm. Việc cha mẹ không đội mũ bảo hiểm hoặc cài quai không đúng cách cho con em mình đã gây ra rất nhiều thương tích và cái chết thương tâm cho trẻ em". Vì thế, theo ông Thanh, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, hình thành thói quen văn minh khi tham gia giao thông. Ông Thanh cũng cho rằng, cần phải làm kiên quyết, triệt để vấn đề này để đảm bảo an toàn, văn minh khi tham gia giao thông và cũng chính là bảo vệ an toàn cho những mầm non của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thuấn,Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải)
Quy định chỉ là quy định?
Rõ ràng quy định, chế tài về việc xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên đã có từ lâu nhưng vì sao quy định đó lại không được chấp hành một cách nghiêm túc? Tỉ lệ vi phạm vẫn ở mức cao? Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực tế đáng buồn đó là do khi quy định này ra đời, đã nảy sinh một vấn đề gây tranh cãi vì lúc đó chưa có một quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ em. Có luồng ý kiến lo ngại rằng, chính những chiếc mũ bảo hiểm không đúng quy cách đó, không đạt chuẩn đó lại là tác nhân gây nguy hiểm cho trẻ nếu xảy ra tai nạn. Những lo ngại đó của phụ huynh không phải không có cơ sở bởi quy định ra đời năm 2010 nhưng phải đến tận tháng 3/2013, mới có quy định thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng. Chính cách làm ngược này đã khiến cho một quy định vốn được đánh giá là nhân văn lại không được chấp hành nghiêm túc.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn, vụ trưởng vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: "Quy định về trẻ em đội mũ bảo hiểm đã có từ khá lâu rồi, nó nằm trong Nghị định 34 về xử phạt vi phạm giao thông. Suốt thời gian qua, các cơ quan về an toàn giao thông ở Trung ương tới địa phương đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tận các tổ chức, cá nhân khắp cả nước. Đặc biệt, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với bộ Giao thông Vận tải và bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền trong hệ thống giáo dục quốc dân từ cấp tiểu học đến THCS, THPT".
Ông Thuấn cho biết thêm, quy định bắt buộc trẻ em phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, các nhà nghiên cứu trên thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIPF), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICIEF)… Họ coi đây là một trong những chính sách nhân văn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em.
Nói về việc Hà Nội mở đợt cao điểm xử phạt các trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm, ông Thuấn cho biết, cá nhân ông rất ủng hộ việc này, và đây là một trong những chuyên đề xử phạt mà Ủy ban An toàn giao thông TP.Hà Nội thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối trẻ em khi đi xe máy đã có từ lâu, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng theo con số khảo sát của WHO (7/2012) thì tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam chỉ đạt 32%, còn theo con số khảo sát của đại học Quốc gia Hà Nội thì dưới 50% trẻ em đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Như vậy, tính hiệu quả của quy định này đến đâu? Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, quy định đã có từ lâu, tuyên truyền cũng nhiều nhưng việc thực hiện hay không lại là một việc khác. Thực hiện hay không là do ý thức của phụ huynh và trách nhiệm thuộc về cơ quan công an.
Trong khi "quả bóng trách nhiệm" đang được đá đi đá lại thì hàng năm tỉ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông vì không đội mũ bảo hiểm vẫn tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục chăm sóc bảo vệ trẻ em (bộ LĐ - TB&XH) cảnh báo, tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến tử vong sau đuối nước ở lứa tuổi từ 0 - 19 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích trẻ em và đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến môtô, xe gắn máy. "Nỗi đau mất con bất ngờ hoặc con bị thương tích tàn tật suốt đời của những người mẹ, người cha, có thể phải mất hàng chục năm để chữa lành hoặc không bao giờ chữa được", bác sĩ An chia sẻ.
Số người chết vì tai nạn giao thong ở Việt Nam gần bằng số người chết vì sóng thần ở Nhật Trước đó, trong báo cáo Quốc hội ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: "Nếu so sánh với thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản hồi đầu năm 2011 thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% số nạn nhân do thảm họa sóng thần". |
Hà Khê