Một “nghịch lý năng suất” được các nhà khoa học phát hiện ra, đó là cuộc cách mạng kỹ thuật số không làm cho năng suất công việc của con người tăng lên. Thậm chí ở một số nền kinh tế còn xảy ra tình trạng trì trệ. Tập đoàn Microsoft đã làm 1 cuộc khảo sát và kết quả khảo sát khẳng định “nghịch lý năng suất” này.
Sau khi thăm dò 20.000 nhân viên châu Âu, Microsoft kết luận các công ty có thể làm việc kém hiệu quả do các phát minh công nghệ mới. Facebook cũng từng cảnh báo người dùng về việc họ có thể bị tổn hại tâm lý do mạng xã hội này. Đi sâu vào thăm dò, Microsoft phân tích nhân viên có thể bị xao lãng bởi nhiều lý do như: Tweet, các thông báo Facebook, email mới, các đoạn video về mèo,…
Bên cạnh đó, còn có các lý do khác như: nhân viên không được đào tạo để bắt kịp công nghệ mới, công ty trang bị công nghệ mới cho nhân viên không đầy đủ, công nghệ mới khiến nhân viên cảm thấy phải làm việc ngay cả khi ở nhà (chẳng hạn smartphone luôn báo có email, tin nhắn mới),…
Trong nghiên cứu, Microsoft cũng nói rằng không phải công nghệ mới đem lại sự giảm năng suất ở mọi nơi. Tùy vào văn hóa của từng công ty mà công nghệ mới đem lại lợi ích hay gây ra thiệt hại. Tóm lại, công nghệ mới là một vũ khí và sử dụng như thế nào là do mỗi doanh nghiệp. Microsoft gọi điều này là “văn hóa kĩ thuật số mạnh” và “văn hóa kĩ thuật số yếu”.
Trong những công ty có “văn hóa kỹ thuật số mạnh”, các nhân viên được đào tạo bài bản để tiếp cận công nghệ mới và các nhà quản lý giúp nhân viên nhận thức đúng về vai trò của công nghệ khiến nhân viên cảm thấy say mê với công việc và công nghệ mới là công cụ giúp họ.
Tình trạng ngược lại xảy ra ở các công ty có “văn hóa kỹ thuật số yếu”. Công nghệ mới không làm các nhân viên thay đổi cảm xúc với công việc mà còn khiến họ thấy ít gắn bó hơn với công ty. Chủ tịch của Microsoft tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, Michel van der Bel, nói trong nghiên cứu rằng các công ty nên tích hợp công nghệ mới theo hướng phát triển con người lâu dài.