Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm: 'Giận cá chém thớt'

Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm: 'Giận cá chém thớt'

Thứ 7, 09/03/2013 09:30

Không ít ý kiến lo lắng cho rằng, nên xử phạt nặng những người sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) không đảm bảo chất lượng trước khi xử phạt người sử dụng. Trên thực tế, nhiều người đã đầu tư khoản tiền lớn để mua MBH tốt nhưng vẫn "cay đắng" vì bị lừa. Lúc này, cần đòi hỏi trách nhiệm từ các cấp quản lý chứ không thể đổ lỗi và "đè" người dân ra để phạt.

Những con số biết nói

Mới đây, Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị kế hoạch ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không đạt chuẩn. Theo đó, cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một chiến dịch truyền thông để người dân hiểu rõ tác hại của MBH giả. Bên cạnh đó, hành vi đội MBH giả cũng bị xử phạt bằng với lỗi không đội MBH. Ngoài ra, đơn vị này còn kết hợp với cơ quan chức năng ra quân kiểm tra hành vi kinh doanh MBH giả...

Sau một tháng truyền thông thực hiện, đến ngày 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH giả. Bước đầu, chiến dịch này sẽ thực hiện tại các thành phố lớn, sau đó rút kinh nghiệm và thực hiện trên toàn quốc.

Xã hội - Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm: 'Giận cá chém thớt'

Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn bán tràn lan ngoài thị trường.

Liên quan đến chiến dịch đang thu hút sự quan tâm của dư luận, trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: "Năm 2007, chúng ta bắt đầu thực hiện quy định về việc bắt buộc phải đội MBH khi điều khiển mô tô xe máy tham gia giao thông. Hiệu quả của công tác này đã được chứng minh bằng việc số các vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng buôn bán MBH giả, không đạt quy chuẩn lại nở rộ và tràn lan khắp nơi. Người sản xuất kinh doanh vì ham lợi nhuận nên cung ứng ra thị trường mũ rởm, người tiêu dùng thì ham rẻ nên sẵn sàng mua những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho mình".

Ông Trọng cũng cho biết, sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH, tỷ lệ đội mũ đạt 90%, nhưng trong đó có tới 70% là mũ giả. Đây quả thực là con số đáng giật mình khi người dân đang bảo đảm sự an toàn của mình bằng những sản phẩm kém chất lượng. Hậu quả thực tế cho thấy, tình trạng người tử vong do tai nạn giao thông đang tăng cao. Đặc biệt, trong dịp tết vừa qua, các y bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, có tới 30% trường hợp tử vong do đội MBH kém chất lượng, MBH giả.

Nói về mục đích của chiến dịch này, ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định, trước thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH kém chất lượng, Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp với bộ Công an, bộ Giao thông Vận tải, bộ Công thương, bộ Khoa học & Công nghệ ra một văn bản trình Chính phủ các biện pháp để khắc phục tình trạng này. Các cơ quan này thống nhất sẽ có một chiến dịch "Đội MBH đảm bảo chất lượng" (theo quy chuẩn đã được bộ Khoa học Công nghệ ban hành năm 2008-PV).

Cũng theo ông Thái, để thực hiện chiến dịch này, bộ Công thương sẽ đẩy mạnh hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh MBH tại tất cả các địa phương; xóa bỏ tình trạng bán MBH "rởm" tại vỉa hè như hiện nay. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh  MBH sẽ phải đăng ký, được cấp phép kinh doanh loại mũ này theo quy chuẩn.

Mới đây, trong đợt ra quân, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh MBH tại ngõ 14 Chùa Bộc (Hà Nội), ông Phạm Duy Vĩnh - đội phó đội Quản lý thị trường cơ động số 17 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, hầu hết các cửa hàng đều có bày bán các loại MBH không hợp quy chuẩn. Các loại mũ này thường có kiểu dáng thời trang, không đạt chỉ tiêu về độ bền va đập, hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên... nên khi xảy ra tai nạn không đảm bảo an toàn vùng đầu như các mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Qua kiểm tra 4 cửa hàng, lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ hơn 300 chiếc MBH rởm. "Đợt tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm nhiều đợt kiểm tra nữa. Các tổ kiểm tra sẽ tập trung vào những cửa hàng kinh doanh MBH không có hoá đơn chứng từ; trên sản phẩm không có tem hợp quy; không có tên và địa chỉ của đơn vị sản xuất", ông Vĩnh nhấn mạnh.

Xã hội - Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm: 'Giận cá chém thớt' (Hình 2).

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia.

"Giận cá chém thớt" hay "bất lực"?

Trước những thắc mắc của người dân về việc xác định một chiếc MBH đảm bảo quy chuẩn, ông Nguyễn Trọng Thái lý giải: Về phía đơn vị kiểm định, bộ Khoa học Công nghệ đã đưa ra những quy chuẩn về hình thức, cấu tạo, khả năng chịu va đập cho các sản phẩm. Các đơn vị quản lý thị trường cũng dựa vào đó để tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Còn đối với người tiêu dùng, khi mua mũ nên vào những cửa hàng có uy tín. Người dân không thể mua loại mũ 30.000 - 40.000 đồng ngoài đường  được. Những sản phẩm đó chắc chắn là không đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng nên biết tự bảo vệ tính mạng của mình chứ không nên coi việc đội MBH là để đối phó với cảnh sát giao thông (CSGT). "Trên thị trường tất nhiên cũng có những trường hợp làm hàng nhái, hàng giả các hãng mũ có thương hiệu. Đối với đối tượng này, lực lượng chức năng cũng sẽ phải tăng cường công tác quản lý", ông Thái nhấn mạnh.

Ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng: Cần xử lý những trường hợp đội MBH không đảm bảo chất lượng. Chỉ vì ham của rẻ mà nhiều người đã bán rẻ mạng sống của mình chỉ bằng mấy chục nghìn. Thế nên, chủ trương xử phạt những người có hành vi đội MBH không đảm bảo chất lượng là hoàn toàn đúng đắn và nên thực hiện từ lâu rồi. Đây sẽ là biện pháp thiết thực, giúp người dân nâng cao ý thức, giảm tai nạn đáng tiếc do đội mũ rởm gây ra. Hơn nữa, việc sử dụng MBH đảm bảo chất lượng, sẽ là việc làm thể hiện văn hóa giao thông và bảo vệ chính tính mạng của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này cần sự cố gắng của nhiều tầng lớp mà trước tiên là từ các cơ sở kinh doanh và đơn vị quản lý.

Việc sản xuất phải quy chuẩn QCVN về MBH đã có những cuộc khảo sát, nghiên cứu và tìm ra quy chuẩn MBH phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Các nhà sản xuất kinh doanh phải thực hiện cho đúng quy chuẩn về MBH thì người tiêu dùng mới có được những sản phẩm đạt chất lượng.

Đối với nhà quản lý cần tăng cường hơn nữa khâu giám sát, kiểm tra, không để những sản phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường. Hiện nay trên thị trường, ngoài những sản phẩm MBH bày bán tràn lan có giá chỉ 35.000 -50.000 đồng, còn có rất nhiều sản phẩm "giả" ăn theo những thương hiệu nổi tiếng. Những chiếc mũ này được sản xuất rất tinh vi và nhìn không khác gì sản phẩm thật. Đối với những người dân, không phải ai cũng có đủ khả năng để nhận biết ra các sản phẩm "giả" tinh vi như thế. Vậy nên, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra phát hiện những đơn vị sản xuất, kinh doanh và xử phạt thật nặng trước khi tính đến việc xử phạt người tiêu dùng.

Phạt theo quy định “ké”

Theo đó, trong dự thảo thông tư liên tịch do "4 bộ" (bộ Công an, bộ Giao thông Vận tải, bộ Công thương, bộ Khoa học & Công nghệ)  ký kết quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH có quy định, người đội MBH giả sẽ bị xử phạt như hành vi "không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách". Theo Nghị định 71, hành vi này sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Phạm Hạnh - Văn Chương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.