Gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố y khoa tại tuyến y tế cơ sở như nữ hộ sinh ở bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành thuốc phá thai; nữ điều dưỡng ở bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) tiêm nhầm thuốc uống khiến trẻ tử vong. Các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại về chất lượng nhân viên y tế và theo chuyên gia, cần coi các sự cố này là cơ hội để cải tổ chất lượng, khám chữa bệnh.
GS.Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch hội Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh: “Với một người muốn làm được nghề y phải có một loạt “thói quen” chính xác, quy trình rõ ràng đã được thống nhất trong hệ thống các cơ sở y tế từ trên xuống dưới. Để xảy ra các sai sót như vừa qua tại một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, theo tôi là quy trình chuẩn đã không được theo dõi, giám sát tuân thủ, kiểm tra thường xuyên nên mới có “thói quen” khác chuẩn như vậy”.
GS.Khải phân tích: “Chúng ta cũng phải xem xét kỹ càng việc các quy trình này được dán ở khắp nơi trong phòng bệnh nhưng có được tuân thủ thường xuyên không, lãnh đạo các cơ sở y tế có buông lỏng giám sát các quy chuẩn này? Tôi tin, nếu ở các cơ sở, lãnh đạo thường xuyên có kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình chuẩn ra sao thì sẽ không có những sự tắc trách dẫn tới chết người như vậy. Để người bệnh yên tâm phó thác tính mạng thì, cơ sở y tế phải đàng hoàng, đủ chuẩn, nhân viên y tế phải chuyên nghiệp. Muốn được như vậy, việc đào tạo phải làm vô cùng cẩn thận, chuyên nghiệp, chính xác tuyệt đối. Nghề y không cho phép làm lại, châm chước. Nếu không được đào tạo đảm bảo chất lượng xin đừng làm nghề y. Con người là cực kỳ quan trọng”.
Chia sẻ thêm về bất cập về chất lượng đào tạo ngành y, TS.Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế cho rằng, hiện nay, vấn đề đào tạo đặc biệt đào tạo điều dưỡng viên ở các tỉnh chưa đúng được chất lượng chuyên môn cũng như kỹ năng thực hành y khoa, trong đó có cả quy luật cung cầu, sử dụng ít mà đào tạo nhiều. Đó là những bất cập mà ngành y tế hiện nay đang muốn khắc phục. Thêm một thực tế, trong các trường mới chỉ đơn thuần đào tạo mang tính chất chuyên môn, còn đào tạo kiến thức về pháp luật trong đó có kiến thức tuân thủ quy luật chuyên môn lại ít được đề cập.
“Hơn nữa, trong các bệnh viện, nếu các điều dưỡng viên được các quy định về chuyên môn trong đó có các quy định 5 kiểm tra, 3 đối chiếu sẽ không có những sự nhầm lẫn đáng tiếc như thời gian qua. Các thường quy trong khám chữa bệnh không được chú trọng nên các điều dưỡng viên làm theo thói quen. Đồng thời, yếu tố kiểm tra cũng bị thiếu. Điều này đòi hỏi không chỉ mỗi cá nhân của điều dưỡng viên đó chịu trách nhiệm mà cả điều dưỡng trưởng của bệnh viện, các khoa chuyên môn phải chú trọng tới các quy định về mặt chuyên môn. Có như vậy mới không có sự nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra như trong thời gian qua”, ông Quang nhận định.