Phạt tiền DN chậm trả lương có giải quyết được vấn đề?

Phạt tiền DN chậm trả lương có giải quyết được vấn đề?

Thứ 3, 26/02/2013 08:13

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng, bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Điểm chú ý trong dự thảo này chính là những quy định xử phạt bằng tiền đối với các doanh nghiệp có hành vi nợ lương, chậm lương.

Bản dự thảo mới được công bố đã mang đến nhiều tranh cãi và cảm xúc trái chiều từ phía người lao động, chủ sử dụng lao động và các chuyên gia.

Người mừng, kẻ lo

Hiện trạng doanh nghiệp nợ tiền lương và chậm tiền lương đang có biểu hiện ngày một gia tăng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ lương hay cố tình chây ỳ khiến người lao động vô cùng bất bình. Trong khi đó, việc quản lý các doanh nghiệp trong vấn đề chi trả lương của nước ta đang có nhiều bất cập. Các chuyên gia cho rằng, cần thiết có một văn bản pháp luật mới ra đời giúp cơ quan quản lý siết lại tình trạng nợ lương và chậm lương hiện nay.

Mới đây, bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lực lao động. Nội dung dự thảo này đề cập nhiều vấn đề liên quan đến việc chi trả lương. Trong đó nổi lên quy định sẽ phạt từ 20 - 50 triệu đồng đối với các doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn mức tối thiểu vùng. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả số tiền lương chênh lệch cho người lao động và ít nhất 5 tháng mức lương tối thiểu vùng. Không những thế, chủ sử dụng lao động có thể bị phạt đến 50 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn cho người lao động.

Trường hợp các doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 - 25 triệu đồng. Dự thảo cũng quy định phạt từ 5- 7 triệu đồng nếu doanh nghiệp trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm thấp hơn mức quy định. Trong trường hợp, doanh nghiệp không trả đủ lương cho người lao động nghỉ việc theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng.

Bất động sản - Phạt tiền DN chậm trả lương có giải quyết được vấn đề?

Nội dung dự thảo vừa được công bố đã mang đến cảm xúc lạc quan cho người lao động. Trao đổi với PV, anh Trần Quốc Nhân, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) tỏ vẻ hào hứng: "Nếu dự thảo này được thông qua và đi vào thực tế, những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp như em sẽ không còn nơm nớp lo sợ vì bị trả lương chậm và nợ lương". Chị Võ Thu Hà, công nhân lao động tại khu công nghiệp Sài Đồng B, thị trấn Sài Đồng, Hà Nội cũng cho rằng, đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ lương, cơ quan quản lý khó có biện pháp xử lý. "Nhiều nơi công nhân tiến hành đình công để đòi chủ trả lương, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn làm ngơ. Mức phạt vài chục triệu đồng sẽ không thấm vào đâu so với việc chủ sử dụng lao động chậm trả lương, nhất là đối với những doanh nghiệp số lượng công nhân lên tới hàng nghìn người. Vì vậy theo tôi cần mạnh tay hơn nữa để người sử dụng lao động có ý thức hơn trong việc chi trả tiền lương cho người lao động", chị Hà nói.

Trái ngược với ý kiến của những người lao động, đại diện những doanh nghiệp vừa và nhỏ tỏ ra lo lắng nếu dự thảo này đi vào thực tế. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Quốc, GĐ công ty Cường Phát (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bản thân doanh nghiệp đa phần đều quan tâm đến đời sống của người lao động. Nhưng thực tế, nhiều khi đã cố xoay tiền để chi trả lương cho nhân viên nhưng có thời điểm rất khó khăn. Đặc biệt thời điểm hiện nay, việc có quỹ lương ổn định 500 triệu đồng để đảm bảo cho gần 40 nhân viên trong cơ quan đang là một thách thức lớn. Do đó việc chậm 10 hay 15 ngày lương theo ông Quốc là việc có thể chấp nhận được. Nếu cứ chậm là bị phạt, rồi phạt nữa vẫn không thể giải quyết được vì thực tế công ty vẫn không có đủ tiền trả.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu như việc chi trả chậm tiền lương bị phạt tiền nặng như vậy họ sẽ tiến hành giải pháp sa thải bớt lao động để giảm tối thiểu quỹ lương và lúc đó người lao động sẽ là người gặp khó khăn.

Cầm xem xét thấu đáo!

Xung quanh bản dự thảo này vẫn đang tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, trao đổi với PV, TS. Đặng Quang Điều, viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đây là một ý tưởng rất tốt nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bởi thực tế hiện nay, công tác quản lý về tiền lương của nước ta còn kém. Mặc dù, vấn đề tiền lương và chi trả tiền lương đã được pháp luật quy định nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Điều này dẫn tới hiện tượng vi phạm về tiền lương vẫn xảy ra trong thời gian dài. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Điều nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu cơ chế xử phạt.

Vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm, cần có một biện pháp mạnh để tạo điều kiện quản lý tốt hơn và răn đe các doanh nghiệp cố tình vi phạm tiền lương. Đặc biệt, quyền lợi về tiền lương của người lao động phải được đảm bảo. "Nếu dự thảo này đi vào thực tiễn, lúc đó các doanh nghiệp sẽ có ý thức hơn trong việc trả lương cho người lao động. Ngược lại người lao động cũng sẽ yên tâm hơn trong việc nhận tiền lương từ chủ sử dụng lao động. Tinh thần lao động của họ sẽ tăng và lúc đó người sử dụng lao động chính là người hưởng được thành quả mang đến từ chính người lao động", TS. Điều nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến bản dự thảo này, TS. Trần Thị Huệ, giảng viên bộ môn Luật Dân sự (ĐH Luật Hà Nội) có quan điểm khác khi trao đổi với PV. TS. Huệ cho rằng, việc quy định xử phạt như vậy có phần cứng nhắc. Không thể cứ tiến hành cào bằng san phẳng để áp dụng một hình thức vi phạm. Cần thiết phải phân loại hành vi vi phạm, bởi trên thực tế không phải cứ doanh nghiệp chậm tiền lương, hay chi trả tiền lương không đúng quy định đều xuất phát từ lỗi cố tình. TS. Huệ cho rằng, việc trả tiền lương của các doanh nghiệp phụ thuộc vào doanh thu, tình hình sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm. Họ thực sự khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu áp dụng hình phạt đối với các doanh nghiệp này không khác gì ép họ vào đường chết.

"Quy định cần linh hoạt, phải động viên được doanh nghiệp tuyển thêm công nhân vào làm. Bênh vực người lao động nhưng cứng nhắc sẽ dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp ngừng tuyển thậm chí sa thải người lao động. Bởi việc sa thải sẽ giúp họ tránh bị phạt. Nếu như điều đó xảy ra thì dự thảo này chỉ có ý nghĩa đối với nhà quản lý trong việc quản lý các doanh nghiệp chứ đối với người lao động hay nền kinh tế theo tôi chưa chắc đã đem đến tín hiệu tích cực", TS. Huệ thẳng thắn chia sẻ.           

Không nên áp dụng cứng nhắc

Luật sư Đoàn Minh Đức (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, "phạt" không giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Với những doanh nghiệp này, 50 triệu đồng là cả một vấn đề. Nhiều khi tiền còn không đủ để trả lương cho 10 công nhân lấy đâu ra chi trả tiền phạt. "Theo tôi nếu cứ áp dụng một cách cứng nhắc biện pháp duy nhất để tồn tại các doanh nghiệp sẽ sa thải nhân công để giảm quỹ lương", luật sư Đức nhấn mạnh. 

Như Hải - Anh Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.