Phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ của doanh nghiệp

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 2, 17/06/2024 09:10

Với mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp.

ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là những trụ cột đo lường, hướng doanh nghiệp tới thực hành phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cam kết về các yếu tố về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp.

Thực hành ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững hiện nay được xem là xu thế giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, không bị thua thiệt cũng như không bị mất đi những cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững.

Kinh tế vĩ mô - Phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo Tập đoàn PAN.

Song đây cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trước những yêu cầu được đặt ra. Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo Tập đoàn PAN về thực tế áp dụng ESG và áp lực của doanh nghiệp khi triển khai bộ tiêu chí trên.

Tiêu chuẩn bắt buộc của tất cả doanh nghiệp

NĐT: Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn. Tại Tập đoàn PAN, ông đánh giá như thế nào về thực tế khi áp dụng ESG?

Ông Nguyễn Trung Anh: Tập đoàn PAN đã quan tâm rất sớm đến ESG vì chúng tôi hiểu rằng đây không còn là sự lựa chọn, mà là tiêu chuẩn bắt buộc của tất cả doanh nghiệp. Để thấy, phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ cho giới nhà giàu hay của doanh nghiệp lớn, mà chính là chiến lược hành động quan trọng để doanh nghiệp có sức bền và quản trị rủi ro tốt nhất. 

Không dừng ở đó, phát triển bền vững giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho cộng đồng, đồng thời mang đến cuộc sống tốt hơn cho người lao động, nông dân, gia tăng lợi ích cho các bên liên quan như cổ đông, đối tác, khách hàng nông dân,… 

Tập đoàn PAN đã thực hiện ESG từ những bước đầu tiên như kiện toàn cấu trúc quản trị, xây dựng hệ thống giám sát và công bố minh bạch thông tin, thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn GRI…

Mới nhất, hưởng ứng đề án quốc gia “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” Tập đoàn PAN và UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”.

Mục tiêu nhằm đến năm 2025 sẽ nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa tại địa phương. Đồng thời, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên so với năm 2020. Bên cạnh đó, rơm rạ được thu gom, tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% diện tích thu hoạch.

Đề án không chỉ hướng tới việc nâng cao thu nhập cho người nông dân mà cao hơn là nâng cao hiệu quả những chuỗi giá trị lúa gạo, từ khâu cung cấp giống, sản xuất đến khâu tiêu thụ. 

Tiếp đó, nhờ những biện pháp canh tác kỹ thuật đúng, giảm lượng phân, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng trong ngành sản xuất cũng như là áp dụng các biện pháp canh tác khô ướt kết hợp để giảm lượng metan phát thải, đề án hướng tới mục tiêu quan trọng thứ hai là giảm phát thải khí nhà kính ra ngoài môi trường.

Kinh tế vĩ mô - Phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ của doanh nghiệp (Hình 2).

Phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ cho giới nhà giàu hay của doanh nghiệp lớn, mà chính là chiến lược hành động quan trọng để doanh nghiệp có sức bền và quản trị rủi ro tốt nhất. 

NĐT: Có thể thấy, phát triển bền vững vừa là cơ hội, vừa là áp lực với doanh nghiệp. Những áp lực Tập đoàn PAN gặp phải khi thực hiện khung tiêu chí ESG là gì?

Ông Nguyễn Trung Anh: Một trong những áp lực lớn nhất trong thực thi ESG là hạn chế về nhận thức và kiến thức về tiêu chí này. Dù PAN đã theo đuổi mục tiêu ESG từ rất sớm, nhưng khoảng thời gian từ những năm 2015 – 2016 trở về trước, cụm từ này còn khá xa lạ ở Việt Nam, đặc biệt là đối với nông dân – chủ thể quan trọng trong chuỗi giá trị. 

Đơn cử như phương thức canh tác còn sử dụng rất nhiều phân bón, nhiều thuốc bảo vệ thực vật và nông dân vẫn chủ yếu tin vào kinh nghiệm của bản thân, do đó việc thay đổi được thói quen, thay đổi được tư duy thực sự đã tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Cái khó tiếp theo là với quy mô của tập đoàn đa ngành với các nhà máy, văn phòng vận hành tại nhiều địa phương khác nhau, phục vụ nhiều thị trường khác nhau nên nhận thức và nhu cầu với các mục tiêu phát triển bền vững là rất khác nhau. Mỗi doanh nghiệp đều có vấn đề riêng của mình, nằm trong bối cảnh khác nhau nên không thể có chung 1 cách làm.

Đồng thời, một thách thức nữa là môi trường kinh doanh chưa khuyến khích phát triển bền vững. Ví dụ, trong một khu công nghiệp, nếu chỉ một doanh nghiệp bảo đảm nước thải ra môi trường đạt chuẩn, thậm chí theo chuẩn quốc tế, mà các doanh nghiệp còn lại vẫn có vi phạm xả thải vượt chuẩn vào hệ thống chung thì không thể có được động lực cho tăng trưởng xanh. 

Tức là, không chỉ một doanh nghiệp mà cần nhiều doanh nghiệp chung và hơn hết là các cơ quan quản lý phải bảo đảm sự kiểm tra, giám sát để các bên cùng hành động. Cơ chế phải tạo khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được ghi nhận.

ESG thúc đẩy gia tăng uy tín doanh nghiệp

NĐT: Song song với áp lực đó, việc thực thi ESG đem lại động lực phát triển như thế nào cho Tập đoàn PAN, thưa ông? 

Ông Nguyễn Trung Anh: Có thể nói, hiệu quả từ đầu tư vào ESG rất lớn. PAN đã có thể đưa hàng xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về ESG như EU, Mỹ và Nhật. Đây cũng là 3 thị trường trọng điểm của tập đoàn, chiếm 90% doanh thu xuất khẩu. Hiện nay nhiều khách hàng của PAN đã yêu cầu chúng tôi phải công bố dấu chân carbon trên sản phẩm, công bố mục tiêu và lộ trình giảm phát thải trong tương lai.

ESG còn giúp Tập đoàn PAN tiếp cận với nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính. Vừa qua, trong khuôn khổ COP28, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và PAN đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính ESG. Do vậy, ESG không chỉ tác động đến kinh doanh mà còn giúp phát triển thương hiệu, gia tăng uy tín và giúp công ty quản lý rủi ro tốt nhất.

Có thể nói, ESG đã đóng góp vào việc hợp tác, đầu tư và kết quả kinh doanh của Tập đoàn, chúng tôi không tăng trưởng nhanh, tăng trưởng nóng, mà hướng đến sự bền vững và lợi ích cho các bên liên quan. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình đạt 16%, giai đoạn 2019-2023.

Kinh tế vĩ mô - Phát triển bền vững không phải câu chuyện xa xỉ của doanh nghiệp (Hình 3).

Chính phủ cũng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm và dịch vụ xanh.

NĐT: Trước những cơ hội của ESG đem lại, theo ông, cần có chính sách gì để tạo động lực, khuyến khích doanh nghiệp triển khai ESG?

Ông Nguyễn Trung Anh: Để tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp cùng thực hiện ESG, tôi cho rằng Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ và khuyến khích các biện pháp thích hợp. 

Một số khía cạnh mà Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp là thiết lập các quy định và chuẩn mực cụ thể về ESG để tạo ra một hệ thống thông tin và đánh giá đồng nhất. Điều này giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu và tiêu chí cụ thể, cũng như tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Song song với đó là cung cấp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như khoản vay với lãi suất ưu đãi, để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án và sáng kiến liên quan đến ESG. Xây dựng và thúc đẩy các chương trình đào tạo và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp doanh nghiệp thích ứng và thực hiện các tiêu chuẩn ESG.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm và dịch vụ xanh, cũng như thiết lập tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ ESG. Ví dụ như sớm đưa thị trường carbon vào vận hành.

Hiện nay các hướng dẫn thực thi trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp chưa rõ ràng nên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp còn nhiều lúng túng. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với thực tế của doanh nghiệp.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.