Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt thời gian qua, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, phát triển bền vững là vấn đề sống còn của mọi nền kinh tế.
Ông Lộc phân tích, trong bối cảnh hiện nay, các hiệp định thương mại toàn cầu, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa các nền kinh tế phát triển đều đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
“Phát triển bền vững là cách để chúng ta tạo ra thương hiệu, tiếp cận được khách hàng, thị trường và bằng cách này sẽ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói và cho rằng phát triển bền vững không chỉ là nghĩa vụ có tính chất xã hội mà là khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp.
Để cạnh tranh trong xu hướng “xanh hóa”, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”. Đồng thời, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Ông dẫn chứng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 cho thấy doanh nghiệp thực hành sản xuất bền vững thường có tổn thất thấp hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện chiến lược này.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, ông Lộc cũng chỉ ra những thách thức với cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, khi thực hiện mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội đều đòi hỏi một khoản đầu tư khá lớn. Điều này, sẽ gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
“Phát triển bền vững không phải là một sự lựa chọn nữa mà là con đường độc đạo cho phát triển”, ông Lộc nói.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, phát triển kinh tế xanh là một trong những hợp phần để phát triển bền vững. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển xã hội.
“Các luật như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trưởng 2020, Luật Đất đai… và các văn bản luật khác đều hướng tới mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững. Theo đó, trong quá trình tăng trưởng thì phải luôn cam kết không hủy hoại môi trường, không hủy hoại tương lai. Đó chính là phát triển bền vững”, ông Huân nói.
Hoàn thiện khung hành lang pháp lý
Ông Huân cho rằng, để đảm bảo thực hiện được cam kết tại COP 26 chúng ta cần hướng tới phát thải ròng bằng “0” hạn chế ở tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực.
Cùng với đó, ngành lâm nghiệp sẽ phải trồng được lượng cây rừng đảm bảo đủ lớn để hấp thụ ngược lại khí cacbon. Trong mô hình mới nhất, các chuyên gia đang tính đến năm 2050 chúng ta phải hấp thụ ngược trở lại khoảng 80 triệu tấn carbon thì lúc đó Việt Nam mới đạt phát thải ròng bằng “0”.
Song song với việc tất cả các ngành nghề khác đều phải giảm phát thải, chúng ta chấp nhận mức phát thải đỉnh vào năm 2035 và từ 2035 phải giảm dần dần phát thải. Ông Huân nhìn nhận, các doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng công nghệ còn khá lạc hậu, khi sử dụng công nghệ lạc hậu thì tiêu tốn năng lượng, phát thải nhiều…
Đánh giá thêm về khung hành lang pháp lý cho mục tiêu này, ông Huân cho rằng bên cạnh các Luật, các văn bản luật thì khung hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh hiện chưa thật sự đầy đủ. Do đó, cần thêm nhiều luật, quy định pháp lý để các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Để hướng người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng thực hiện tăng trưởng xanh, ông Huân cho rằng ngoài quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cần hoàn thiện thêm các hành lang pháp lý, vận động người dân, doanh nghiệp cùng hành động ngay từ bây giờ.
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, có biện pháp khuyến khích, ràng buộc doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ cũng như xây dựng mô hình kinh doanh để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Các nhà đầu tư hiện nay cũng sẽ lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển bền vững và những nguồn lực hỗ trợ về công nghệ, mô hình kinh doanh cũng đang hướng đến các doanh nghiệp có mong muốn đi theo con đường phát triển bền vững”, ông Lộc nói và cho hay bên cạnh thách thức đangcó những cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp đi theo con đường này. Do đó, các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để có thể tiếp cận nguồn lực này.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy triển khai các định hướng tăng trưởng xanh dài hạn và bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, ông Lộc đưa ra các nhóm hành động cần được triển khai như: Lồng ghép các mục tiêu và định hướng quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong ngắn hạn đến 2025;
Xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp; các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố; các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.