Sáng 8/10, ngày cuối cùng trong chuỗi sự kiện Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ngành khoáng sản đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại đầu cầu Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Khi nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép”, bao gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái tự nhiên...chúng ta cần thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động nhằm chuyển hóa được những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới".
Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngành khoáng sản hiện nay ở các nước ASEAN vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các nước có thể cùng nhau đưa ra hướng giải quyết chung.
Một là, tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của loài người trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và sử dụng thiếu bền vững nguồn tài nguyên quý này giá phục vụ mục đích phát triển của con người đã làm thay đổi cảnh quan Trái Đất, góp phần đưa nhân loại đến thách thức nghiêm trọng của thời đại, đó là: ô nhiễm môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng khí hậu.
Vì vậy, con người cần nhìn nhận một cách đầy đủ về những tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng thiếu bền vững của mình, để kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong mô hình phát triển trước đây. Đây chính là cơ hội để ngành khoáng sản của chúng ta thực hiện chuyển đổi con đường phát triển chú trọng công nghệ khai thác, chế biến, gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường, phù hợp với các xu thế toàn cầu như phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hai là, thực tế phát triển cho thấy nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới đã bị vướng vào “lời nguyền tài nguyên”, không thể tạo sự phát triển đồng đều, công bằng dựa trên lợi thế về tài nguyên. Do đó, tiêu chí minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi khoáng sản; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư phát triển cho ngành kinh tế khác, đầu tư cho tương lai bền vững của các thế hệ mai sau của ASEAN.
Ba là, ngành khoáng sản phải đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon tại những mỏ đã khai thác góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon của các quốc gia.
Cần tăng cường hợp tác và phối hợp
Tuy mỗi nước ASEAN đều có kinh nghiệm, tri thức riêng về khoáng sản nhưng đều đang hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản bền vững, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, giải quyết những thách thức toàn cầu đang đặt ra. Nên muốn làm được việc đó, các nước cần tăng cường hợp tác và phối hợp.
Bộ TN&MT cũng khẳng định dưới cương vị là một thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN và các đối tác chia sẻ kiến thức, tri thức khoa học về khoáng sản và công nghệ mới nhằm tìm kiếm được những khoáng sản chiến lược mới; tạo ra những giá trị mang tính lâu dài như bảo tàng, công viên địa chất.
Hai ngày trước đó 6/10 và 7/10, Hội nghị cũng đã diễn ra suôn sẻ với các vấn đề đưa ra tham luận xoay quanh ngành khoáng sản.
Ngày 8/10, ngày cuối cùng trong chuỗi sự kiện, Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận trong hai phiên sáng và chiều, tóm tắt các vấn đề liên quan đến các giải pháp chính và các nhiệm vụ ưu tiên cho ASEAN 2021 và phát triển Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự từ các nước ASEAN cũng sẽ tóm tắt về các kết quả chính được hoàn thành bởi ASOMM và Nhóm công tác trong năm 2020, 2021 bao gồm cả tiến độ hợp tác với các đối tác và ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan để xây dựng, hỗ trợ phát triển chính sách, mục tiêu, nguyên tắc và thực tiễn khai thác khoáng sản bền vững trong ASEAN.
Từ đó, các nước cùng nhau đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về chính sách: các ưu tiên và lợi ích quốc gia đối với phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia; thông qua “Các khuyến nghị chính về hợp tác khu vực về khoáng sản để ứng phó với các cơ hội và thách thức của một tương lai chuyên sâu về khoáng sản".
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) được tổ chức trực tuyến ở 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN vào ngày 8 tháng 10 năm 2021. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà và ngài Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia đồng chủ trì.