Phát triển bền vững qua tín dụng xanh dần trở thành nhu cầu cấp thiết

Phạm Hồng Nhung

Phạm Hồng Nhung

Thứ 2, 02/10/2023 11:42

Dù tỉ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, song các chuyên gia cho rằng, trong tương lai tỉ lệ này sẽ tăng lên.

Thời gian qua, khái niệm "tín dụng xanh" đang dần trở nên được phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và ngân hàng. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Thế nhưng trong quá trình cho vay xanh, các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn khi chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện, chưa có bộ tiêu chí xanh để đánh giá cụ thể.

Tỉ lệ tín dụng xanh còn khiêm tốn

Theo số liệu từ NHNN, tính đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tọa đàm “Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững” sáng 2/10, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ NHNN, chi nhánh Tp.HCM cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng.

Ông Nguyện cho rằng, con số trên hợp lý với thực tế nhưng tăng trưởng hàng năm đều đều, hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Về hành lang pháp lý, ông Nguyện cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, ví dụ đã tham mưu ban hành Quyết định 1604 về việc phê duyệt đề án phát triển xanh tại Việt Nam, cũng như Quyết định 986 phê duyệt phát triển ngành ngân hàng từ 2025-2030 thì cũng có những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.

Tài chính - Ngân hàng - Phát triển bền vững qua tín dụng xanh dần trở thành nhu cầu cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó Trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ NHNN, chi nhánh Tp.HCM.

Gần đây nhất, NHNN tiếp tục ban hành Quyết định 1408 về kế hoạch ngân hàng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030. Qua đó cho thấy ngành ngân hàng rất quan tâm đến mảng này vì đó là xu hướng không những toàn cầu mà tất cả phải quan tâm.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho hay, khái niệm tín dụng xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Còn trước đây, kinh tế Việt Nam tập trung vào vấn đề tăng trưởng hơn là tăng trưởng bền vững, tức kinh tế "nâu" - điều thường thấy ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp thiết, ở các quốc gia, thậm chí là các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc thời gian qua cũng thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, vì mọi người thấy đó là nhu cầu cấp thiết, cũng như nhìn thấy cái giá đắt phải trả cho nền kinh tế "nâu" là thế nào - đó là một tương lai không bền vững.

"Do đó, những năm qua, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được quan tâm hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng tôi tin, trong tương lai sẽ tăng lên", ông Huân nói.

Trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang dần trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định cho vay, đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế, ông Huân nhận thấy, tín dụng xanh, ESG là xu hướng tất yếu, dần dần, các công ty sẽ phải báo cáo về ESG.

Do đó, nhu cầu về vốn để doanh nghiệp chuyển cơ cấu sao cho bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội là nhu cầu bức thiết trong thời gian tới.

Tài chính - Ngân hàng - Phát triển bền vững qua tín dụng xanh dần trở thành nhu cầu cấp thiết (Hình 2).

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Ông Huân cho rằng, khi ngân hàng tài trợ vốn để doanh nghiệp chuyển sang hướng xanh hóa, bền vững, sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, sản phẩm phải có yếu tố xanh, bền vững.

Thời gian qua, hàng may mặc của Việt Nam gặp một số vấn đề khi xuất khẩu, vì chậm chuyển đổi mô hình. Trong khi Bangladesh đã chuyển đổi và họ tận dụng được cơ hội ở nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp Việt chưa chú trọng.

"Đó là bài học cho Việt Nam, cần chuyển đổi, xanh hóa, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt ở quốc gia nhập khẩu. Việc các ngân hàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi này tạo sức bật cho doanh nghiệp thời gian tới, thúc đẩy chiến lược xuất khẩu của Việt Nam", ông Huân nói.

Phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon

Nhìn từ phía các ngân hàng tư nhân, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cho biết, để tiếp cận tín dụng xanh, ngân hàng và doanh nghiệp phải gặp nhau ở khẩu vị, rủi ro.

Khi cấp tín dụng xanh sẽ đánh giá rủi ro môi trường xã hội, HDBank có chuẩn mực được tham vấn từ NHNN và định chế nước ngoài. HDBank cố gắng tuyên truyền, tư vấn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có doanh nghiệp bảo họ chưa có cần thiết phải làm theo ngân hàng đề xuất.

Bà Văn Thành Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc BVBank cho hay muốn xanh hóa thì cần sự phối hợp từ 3 phía: NHNN, ngân hàng và doanh nghiệp. "Xu hướng hiện tại là ý thức xanh đã được nhen nhóm nhất ở khối doanh nghiệp trẻ và tôi mong muốn sẽ làm được”, bà Linh nói.

Tài chính - Ngân hàng - Phát triển bền vững qua tín dụng xanh dần trở thành nhu cầu cấp thiết (Hình 3).

Bà Văn Thành Khánh Linh - Phó tổng giám đốc BVBank.

Về giải pháp để thúc tín dụng xanh, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, không thể trông chờ hết vào NHNN, Chính phủ, mà cần các bên khác tham gia, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa.

Ông cũng đưa ra ví dụ về trái phiếu xanh, điều này hiện khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng thời gian tới cần các giải pháp thúc đẩy thị trường này để thu hút nguồn vốn dân cư trong nước, lẫn nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thành nguồn vốn trung dài hạn cho dự án đầu tư xanh.

Những sản phẩm về tín dụng xanh, tài chính xanh ở Việt Nam khá sơ khai, mới mẻ. Hiện có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng nước ta nên tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để triển khai sản phẩm ở Việt Nam, nhất là trái phiếu xanh, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh. Hơn nữa, thời gian tới nên phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, dự kiến cực kỳ sôi động.

Để làm được, ông Huân cho biết, cần nhiều bên tham gia và nghiên cứu. Hiện Chính phủ giao các bộ ngành xem xét xây dựng thị trường này. Các ngân hàng cần nghiên cứu thị trường này để có chiến lược thời gian tới, nên đầu tư thế nào, hỗ trợ mua bán tín chỉ carbon ra sao cho phù hợp, qua đó giúp thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển xanh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.