Tại phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF 2023) sáng 17/3, nhóm Công tác Điện và Năng lượng của VBF (PEWG) đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành điện Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, có thể kể đến việc sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% so với mức tăng chỉ 2,58% vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1997 và cũng là kết quả ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu cùng thời điểm có nhiều bất ổn và biến động.
Tuy nhiên, nhóm Công tác Điện và Năng lượng của VBF cho rằng, những sự kiện và diễn biến trên toàn cầu trong năm qua càng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng. Lý do là một hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay có thể tác động rất lớn đến mức chi phí trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vào tháng 12/2022, quy hoạch này còn ước tính chi phí đầu tư là 142 tỷ USD (126 tỷ USD cho phát điện và 16 tỷ USD cho lưới truyền tải điện) trong giai đoạn 2021-2030, phần lớn nguồn vốn đầu tư này phải đến từ khu vực tư nhân.
PEWG cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực gần đây sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng.
Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió là bằng chứng cho thấy chính sách có thể khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo như thế nào.
Tuy nhiên, hàng nghìn MW công suất của những dự án này đang phải chờ xác định giá bán điện phù hợp cho cả nhà đầu tư và EVN theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, do dự án không đáp ứng được thời hạn Ngày vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá FIT ưu đãi.
Việt Nam không ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
PEWG nhận thấy mong muốn đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng, sao cho vẫn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.
"Trong năm 2023, Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm Công tác Điện và Năng lượng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ quá trình này", phía PWEG cho hay.
Trước ý kiến của nhóm công tác, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết phản ánh hiện nay điện gió và mặt trời chiếm tỉ trọng 25% cơ cấu nguồn điện. Thế nhưng, cơ chế giá FIT chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu, hiện nay giá vật tư, thiết bị năng lượng mặt trời giảm nhiều so với trước đây.
"Trong thời gian sắp tới, việc chuyển từ cơ chế giá FIT sang cơ chế cạnh tranh hơn Bộ Công Thương đã ban hành khung giá cho dự án điện gió, điện mặt trời. Điều này nhằm đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo phù hợp thị trường, hài hòa lợi ích của chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần sớm đàm phán với EVN để dự án được đưa vào lưới điện", ông Tuấn Anh cho hay.
Trước đó, 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và hiệp hội doanh nghiệp đã có đơn gửi tới Thủ tướng, phản ánh những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo phản ánh, 36 nhà đầu tư này cho rằng EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp thực tiễn.
Các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu tính toán lại khung giá điện, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi, cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng.