Chủ trương thì "sáng" nhưng hành động thì chậm chạp
Phát biểu ý kiến tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10/2, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch KN Holdings đề xuất Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, cũng như thông qua Kế hoạch triển khai các nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2030.
Đối với các dự án năng lượng mặt trời, ông Kiểm cũng kiến nghị cần đầu tư hệ thống pin tích trữ để bảo đảm tối ưu vận hành và bảo đảm không bị quá tải của hệ thống.
![Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo:](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/le-van-kiem-17391739354441179758153.jpg)
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch KN Holdings (Ảnh VGP).
Nghị định 80/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được ban hành từ tháng 7/2024, nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết, cũng như quy định cụ thể về các loại phí liên quan.
"Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để Nghị định 80 nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch và nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Chủ tịch KN Holdings bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) cũng chia sẻ, những lĩnh vực mới như Data Center, xe điện, tàu điện đều cần rất nhiều điện mặc dù chúng ta có nhiều giải pháp để tiết kiệm điện, đó là ESG-công thức mà tất cả các doanh nghiệp đều rất quan tâm.
"Chúng ta cũng có chương trình điện hạt nhân để chạy nền thay cho điện than, điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng năng lượng tái tạo phải góp phần quan trọng để chúng ta đạt Net-Zero vào năm 2050. Cho nên chúng tôi đề xuất phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời trên hồ trong quy hoạch điều chỉnh điện VIII", bà Mai Thanh nói.
![Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo:](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/ree-1739173993959967169133.jpg)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) phát biểu (Ảnh VGP).
Vì vậy, Tổng Giám đốc REE cũng đề nghị cơ chế PPA, đặc biệt DPPA cần phải được hoàn thiện cũng như chính sách giá điện mới. Đề nghị ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và không cần đàm phán mất nhiều thời gian mà chưa chắc đưa ra được quyết định về giá.
"Chúng tôi mong muốn ban hành giá điện cho từng loại hình doanh nghiệp, giá điện đó phải thu hút nhà đầu tư và phù hợp với nền kinh tế", bà Thanh nhấn mạnh.
Bà cũng cho rằng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đủ kinh nghiệm để có thể đưa ra mức giá phù hợp với điều kiện này. Bên cạnh đó, điều kiện về PPA và DPPA, nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc sản xuất ra có được mua hết hay không. Vấn đề này rất cụ thể nhưng doanh nghiệp lại chưa thấy điều đó.
Việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và Tp.HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng 3 năm vẫn chưa thông qua được. Việc chậm cấp phép cản trở việc phát triển kinh tế rất lớn.
Bà Thanh cho biết Thủ tướng đã giao quyền cho các tỉnh, thành nhưng các tỉnh, thành vẫn chưa làm được, dẫn đến chậm trễ trong việc đầu tư các dự án.
"Tôi thấy các chủ trương vĩ mô rất sáng sủa, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi nhưng việc hành động ở các tỉnh, thành, sở, ngành lại chậm chạp", Tổng Giám đốc REE bày tỏ.
Đặc biệt, bà Thanh cho rằng Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố là người phải ra quyết định và là người chịu trách nhiệm. Bà cũng bày tỏ chủ trương chính sách đã có, quyết tâm chính trị rất cao, giờ cần những người ra quyết định.
Cần bám sát mục tiêu thực tế
Tại buổi làm việc, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết mọi người nói nhiều đến quá trình đàm phán.
"Muốn chúng ta không đàm phán thì phải sửa đổi toàn diện Luật Giá và tạo khung pháp lý. Bản thân chúng tôi cũng không muốn đàm phán bởi vì quá nhiêu khê. Nếu được thì Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ ban hành giá cho các loại hình năng lượng", đại diện EVN nói.
Các dự án mới EVN làm rất nhanh và phân cấp rất mạnh, dưới 200 MW thì Tổng Giám đốc quyết, trên 200 MW trở lên thì Chủ tịch HĐTV và tập đoàn tiếp tục phân cấp.
"Còn các kiến nghị doanh nghiệp về điều khoản PPA thì huy động như thế nào là do đơn vị điều hành hệ thống điện chứ không phải do EVN. Phải định hướng lại việc xây dựng thị trường điện ở nước ta, chúng tôi rất ủng hộ cùng với các doanh nghiệp cùng xây dựng", ông An chia sẻ.
![Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo:](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/evn-1739174096756926663702.jpg)
Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: VGP)
Theo đó, tinh thần là EVN ủng hộ tối đa, không có chuyện kéo dài thời gian để làm. Ông An cũng bày tỏ mong muốn tất cả dự án nếu tập đoàn tư nhân tham gia càng sớm càng tốt bởi vì nếu không kịp thì sẽ thiếu điện.
Trong buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết riêng ngành Công Thương, 4 quy hoạch ngành bao gồm Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia và Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, có khoảng hơn 50.000 dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng.
"Đây là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp có thể khai thác vừa là tăng dư địa cho đất nước, vừa là nguồn cung các nguyên liệu cho sản xuất và dự phòng", ông Diên nhấn mạnh.
Về vấn đề điện, tháng 5/2023, Chính phủ đã công bố Quy hoạch điện VIII, và ngay sau đó 8 tháng thì công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
![Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo:](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/bo-cong-thuong-dien-17391741887591881382154.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: VGP).
"Tiềm năng của chúng ta về năng lượng tái tạo là rất lớn nhưng nếu phát triển một cách tối đa mà không căn cứ vào nhu cầu phụ tải thì hàng loạt các vùng, các địa phương phát triển xong thì đắp chiếu để đấy bởi vì không có nhu cầu", ông Diên nói.
Đồng thời ban hành Quy hoạch điện VIII thì cũng ban hành một loạt nghị định, thông tư và đã quy định rất rõ ràng về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, trừ các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Công Thương chỉ làm 3 việc, một là quy hoạch kế hoạch, 2 là tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, 3 là thanh tra kiểm tra, còn lại nhà đầu tư và chính quyền địa phương tự quyết định.
"Chúng tôi không gây khó khăn cản trở một dự án nào trong lĩnh vực năng lượng và cả lĩnh vực khai thác khoáng sản", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Theo ông Diên, chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cho phát triển tối đa năng lượng tái tạo, nhưng phải nhằm vào 3 mục tiêu: Bám sát nhu cầu phụ tải của đất nước, của vùng; Hợp đồng mua bán điện trực tiếp DPPA; Hợp đồng xuất khẩu điện.
"Như vậy là bám sát mục tiêu này chứ không phải phát triển tối đa. Phát triển tối đa mà đắp chiếu để đấy là có tội với đất nước, có tội với Nhân dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cuối cùng là cơ chế giá theo quy định của Luật Giá và Luật Điện lực. Luật Điện lực quy định Nhà nước ban hành khung giá, việc này Bộ Công Thương đã và đang làm. Không còn loại hình nguồn điện nào là không có giá.
Việc đàm phán là yêu cầu của Luật Giá, thị trường điện là phải có sự cạnh tranh. Trong khung giá ấy giữa bên mua bên bán phải đàm phán với nhau, nhưng ông Diên cũng đồng tình là rút ngắn thời gian lại.
"Nếu chỉ căn cứ vào khung giá để ký hợp đồng thì lại giống như giá FIT mà giá FIT có rất nhiều vấn đề mà cần tiếp tục nghiên cứu. Giá FIT trong giai đoạn ngắn với một loại hình nguồn điện là cần thiết nhưng kéo dài và áp dụng cho tất cả các loại hình là sai vì không còn là thị trường nữa. Chúng ta muốn cạnh tranh lành mạnh mà giờ lại muốn Nhà nước quy định là không đúng", ông Diên nói thêm.