Ngày 12/ 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Ngoại giao Na Uy tổ chức Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Sức khỏe đại dương là sự thịnh vượng của xã hội"
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu về một biển xanh trong lành và một nền kinh tế bền vững.
Phó Thủ tướng cho biết, là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với BĐKH để vừa đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau.
Nhìn ở góc độ tổng quan, đại dương đang đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng do tác động của BĐKH, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển…
Thực tế, nhiều năm qua đã cho thấy những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường, nếu chúng ta không có hành động kiên quyết, mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, thì nhiều vùng đảo và vùng biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng.
Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia và dân tộc. Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với BĐKH là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, qua đó, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại.
Điều này chỉ có thể làm được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Mặt khác, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2022 với chủ đề “Hồi sinh, cùng hành động vì đại dương" và khẩn trương triển khai những cam kết trong COP26 vừa qua.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị tất cả quan tâm, cùng chung tay hành động vì nhân loại và sự sống trên Trái đất theo một số nội dung chính.
Thứ nhất, mọi quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương, đó không chỉ là trách nhiệm về sự sinh tồn của cộng đồng dân cư mỗi quốc gia, mà còn là đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, thiên nhiên - nơi nắm giữ chìa khóa sự thịnh vượng của nhân loại.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Do vậy, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
“Cần khắc phục bằng được những thách thức về rác thải đại dương ở quy mô toàn cầu trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, về quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, vận tải biển, du lịch biển,... phải dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật biển xanh tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.
Song, các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Mặt khác, các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển lớn với một tâm thế bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.
Tiếp nối lời cam kết trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, tác động của đại dịch Covid-19, càng khẳng định những thách thức nghiêm trọng do mô hình phát triển thiếu bền vững của nhân loại.
Vì vậy, bảo vệ sức khỏe của đại dương chính là bảo vệ sự bền vững cho nền kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế của mọi quốc gia, đặc biệt đối với những quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ, các quốc gia ven biển thấp.
Để bảo vệ đại dương, Trái đất cho hôm nay và thế hệ mai sau, chúng ta cần thống nhất nhận thức và hành động để chuyển hoá từ rủi ro, thách thức nghiệm trọng, thành những cơ hội phát triển mới, kịp thời khắc phục những điểm yếu trong mô hình phát triển hiện nay.
“Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng hợp tác giữa các quốc gia, các đối tác khoa học có kinh nghiệm, nguồn lực vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với BĐKH”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
“Kịch bản xanh lam” - hướng đi thích hợp
Trong khuôn khổ Hội nghị, UNDP cũng đã công bố Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”. Qua đó cho thấy, kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển.
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh. Báo cáo đưa ra “Các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam”, gồm sáu lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.
Một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản “phát triển bền vững” hay còn gọi là “xanh lam”, phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.
Kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp GDP, GNI của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho cho các lao động nghề biển. Nghiên cứu cho thấy với kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP của kịch bản xanh lam sẽ hơn kịch bản cơ sở lần lượt là 296 ngàn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538 ngàn tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030.
Theo đó, đây có thể coi là kịch bản khả thi để Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế biển xanh, đáp ứng được yêu cầu về vấn đề môi trường đang rất cấp bách.
Phía UNDP cũng đưa ra khuyến nghị chính sách dựa trên ngành để đạt được quỹ đạo kịch bản xanh.
Đối với thủy sản và nuôi trồng thủy sản, giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức Sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn mỗi năm) thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản; và cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.
Ở mảng dầu khí, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường; và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.
Năng lượng tái tạo biển, mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm ~4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long) và 5.500 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ).
Du lịch, thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm đến năm 2030; đạt 1,6 triệu giường khách du lịch với tỷ lệ lấp đầy 65% vào năm 2030; đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.
Vận tải hàng hải, tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030; nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn; và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn.