Thực tế này cho thấy, chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh vốn có của nó.
Nhiều lợi thế
Việt Nam là nước có vùng biển rộng và là quốc gia lớn ven bờ biển Đông – biển đứng thứ hai thế giới về quy mô và có tính đặc thù về tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Hồi, thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia lớn ven bờ biển Đông, nhưng lại là một quốc gia có trình độ khai thác biển còn lạc hậu so với khu vực. Thời gian vừa qua chúng ta tập trung khai thác và phát triển bốn ngành kinh tế biển, gồm dầu khí, hàng hải, thủy sản và du lịch. Kèm theo nó là khoảng mười sáu lĩnh vực mang tính dịch vụ để phục vụ cho bốn ngành kinh tế nói trên. Thế giới họ vươn ra đại dương, sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại chinh phục đại dương, khai thác vốn quý của đại dương để hỗ trợ phát triển đất liền. Nhưng mình chưa thực hiện được vì nguồn lực hạn chế. Ông Hồi cho biết, khi thế giới lấy của cải đại dương hỗ trợ cho phát triển kinh tế biển quốc gia, thì ngược lại chúng ta vẫn phải lấy sự nỗ lực của một phần đất liền để nuôi ba phần biển.
Theo các chiến lược gia, đại dương và biển là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm và các nguồn nguyên nhiên liệu ở thế kỷ 21 và lâu dài sau này. Trong điều kiện thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu tài nguyên thiên nhiên trên đất liền thì vai trò “trợ lực” từ nguồn lợi của biển lại càng hết sức có ý nghĩa.
Các thế hệ người Việt đã gắn bó với biển và có sinh kế phụ thuộc vào biển cả, đặc biệt đối với người dân sống ở các huyện ven biển và hải đảo (chiếm 17% tổng diện tích và khoảng trên 23% dân số cả nước). Đồng thời, với lợi thế “mặt tiền hướng biển”, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong giao thương với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, mặc dù có những quyết sách kịp thời và đúng đắn, cũng như các ưu thế về mặt tự nhiên, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh.
“San sẻ” nhiệm vụ để kinh tế biển đi lên
Theo Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam, thì đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Trong đó, xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.
Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên từ biển và công tác đầu tư vào kinh tế biển chưa thật sự được như kỳ vọng.
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, phát triển kinh tế biển đã bộc lộ một số mặt yếu, thiếu chiến lược phát triển tổng thể và liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các ngành kinh tế, với an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, một vài doanh nghiệp được giao làm nhiệm vụ khai thác kinh tế biển còn yếu trong quản lý, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, giảm năng lực cạnh tranh.
Về tổng thể, theo đánh giá của một số chuyên gia, dù có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, nhưng năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/94 của Nhật Bản.
Là đại biểu tán đồng với Đề án và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (Quốc hội khóa XIII) về nội dung tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đại biểu Phan Văn Quý cũng chính thức “bổ sung” thêm ý kiến về tái cơ cấu DNNN trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển.
Vị đại biểu Quốc hội này lấy ví dụ, như mô hình thành công của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nếu mô hình này được áp dụng bằng cách san sẻ một phần nhiệm vụ của Vinashin cho các đơn vị đóng tàu nhiều kinh nghiệm của quân đội, thì việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn, các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu của việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên biển đảo. Ngoài ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển bền vững, cần có cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển.
Theo ông Quý, cần liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để tận dụng nguồn lực và công nghệ hiện đại về khai thác biển. Có như vậy, mục tiêu “Việt Nam phải là một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020”, mới có khả năng thành hiện thực.
Việt Dũng