Phát triển, sáng tạo ẩm thực Việt để thu hút khách du lịch

Phát triển, sáng tạo ẩm thực Việt để thu hút khách du lịch

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 30/06/2022 07:00

Ẩm thực Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một khía cạnh tiềm năng để phát triển và thu hút khách quốc tế.

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến đời sống tinh thần của người dân bị ảnh hưởng, thậm chí là “dồn nén” khi mà hầu hết các hoạt động văn hóa, du lịch phải tạm dừng. Khi cuộc sống trở lại bình thường, người dân được dịp “sổ lồng,” nhanh chóng thu xếp đi du lịch, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Rất đáng mừng là nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt, cho ra mắt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân, tích cực quảng bá văn hóa, du lịch, thu hút du khách.

Nhứng sáng tạo bắt nhịp đầy tinh tế 

Thời gian gần đây, bản đồ món ngon “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” đã tạo ra hiện tượng du lịch đến thành phố “hoa phượng đỏ,” bởi trên bản đồ này, các món ăn "hot nhất" của Hải Phòng như bánh mì cay, các món ốc, chè, bánh đa cua...được giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ về địa chỉ, khung giờ để du khách thỏa thích trải nghiệm, thưởng thức. Đáng lưu ý là bản đồ này được thể hiện rất hiện đại, trẻ trung, bắt “đúng trend” giới trẻ!

Thế nên, ngay khi ra mắt, “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” đã nhận được sự ủng hộ tích cực. Một lượng lớn người đã “đổ” về Hải Phòng để thưởng thức ẩm thực theo bản đồ món ngon được công bố. Trên các trang mạng xã hội, hội nhóm, diễn đàn trên mạng đều bàn tán xôn xao và để lại nhiều nhận xét tích cực cho Foodtour ẩm thực Hải Phòng…

Trao đổi với TTXVN/Vietnam+,  Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng cho biết, bản đồ “Hải Phòng - Lòng vòng ẩm thực” bước đầu đã giới thiệu, chỉ dẫn các điểm đến đã được người dân, du khách ưa thích lựa chọn, đánh giá “ngon-bổ-rẻ-đặc trưng” và khẳng định nhiều năm.

Sở Du lịch sẽ cho ra mắt phiên bản tiếp theo của bản đồ món ngon, mở rộng hơn về quy mô số lượng món, nhưng chắt lọc hơn các địa chỉ để phù hợp với thị hiếu và xu hướng của du khách trong nước, hướng tới phục vụ khách quốc tế.

Sở sẽ sản xuất các clip giới thiệu thực tế trải nghiệm cụ thể, sinh động; hướng dẫn chi tiết hơn các địa điểm lịch sử, đô thị, kiến trúc, cảnh quan… để du khách check-in.

Kinh tế vĩ mô - Phát triển, sáng tạo ẩm thực Việt để thu hút khách du lịch

Bộ quà tặng xinh xắn Sở Du lịch Hải Phòng chuẩn bị để tặng cho du khách. Ảnh: TTXVN. 

Trưởng ban Thư ký (Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam-TAB) Hoàng Nhân Chính đánh giá Foodtour của Hải Phòng chắc chắn là một cách làm sáng tạo, phù hợp với thị trường và nhu cầu của khách du lịch, góp phần thu hút khách đến địa phương sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ, cách làm của Hải Phòng hay ở chỗ không chỉ có doanh nghiệp tham gia mà Sở Du lịch đã lên kế hoạch cụ thể về sản phẩm Foodtour, tạo thành điểm nhấn chung cho du lịch Hải Phòng. Sản phẩm này có sự sự kết hợp công-tư, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng địa phương với doanh nghiệp. Cách làm phối hợp chung chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt hơn, sự tin tưởng cho du khách…

Theo khảo sát mà Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đã thực hiện với du khách nội địa thì ẩm thực đứng thứ 3 theo thứ tự ưu tiên, sau nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên. Nhu cầu khám phá ẩm thực của du khách nội địa thậm chí còn cao hơn khám phá văn hóa, vui chơi, giải trí, di sản, lễ hội…

Còn với du khách quốc tế, chiến lược marketing của ngành du lịch có đề xuất 4 dòng sản phẩm trong đó có tìm hiểu văn hóa du lịch. Trong dòng sản phẩm này có rất nhiều khách quốc tế coi ẩm thực là một khám phá về văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế khi thực hiện quảng bá, xúc tiến ở các hội chợ du lịch lớn trên thế giới, gian hàng Việt Nam không thể thiếu hình ảnh ẩm thực.

Trong số đó, món phở và nem rán thu hút rất đông du khách quốc tế đến đăng ký thưởng thức. Rất nhiều món ăn của Việt Nam đã được quốc tế tôn vinh. Qua đó có thể thấy, ẩm thực Việt đã chiếm một vị trí quan trọng với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khát vọng chinh phục sao Michelin 

Không chỉ những món ăn đời thường được phổ biến rộng rãi đến nhiều du khách mà thậm chí ngay cả những đầu bếp Việt Nam cũng đang khát khao được đưa ẩm thực nước nhà vươn tầm quốc tế, chinh phục sao Michelin. 

Sao Michelin được cộng đồng đầu bếp trên thế giới coi là biểu tượng để đánh giá chất lượng của một nhà hàng, mang ý nghĩ tượng trưng cho chuẩn mực quốc tế về ẩm thực đã được thế giới công nhận. Hàng năm, các nhà hàng nhận được sao Michelin sẽ được vinh danh trong cuốn cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới - The Michelin Guide - ra đời từ năm 1900.

Chef Hoàng Tùng, một đầu bếp trẻ, tài năng, nhà sáng lập T.U.N.G Dining từng lọt Top 100 nhà hàng xuất sắc nhất Châu Á 2021 do The World’s 50 Best bình chọn đã chia sẻ ý kiến về việc để hiện thực khát vọng Michelin các nhà hàng Việt Nam cần chuẩn bị và có lộ trình như thế nào cho phù hợp.

“Qua kinh nghiệm làm việc tại các nhà hàng Michelin tại các nước Bắc Âu, việc đạt sao Michelin gắn với dịch vụ nhà hàng cao cấp. Do đó, hướng tới đạt sao Michelin sẽ khẳng định thương hiệu ẩm thực và thu hút với dòng khách châu Âu”, Hoàng Tùng chia sẻ với Báo Tin tức. 

Kinh tế vĩ mô - Phát triển, sáng tạo ẩm thực Việt để thu hút khách du lịch  (Hình 2).

Du khách thưởng thức ẩm thực tại Hotel Grand Saigon - một trong những khách sạn 5 sao (chuyên đón khách châu Âu) tiên phong đưa bún kèn Kiên Giang, bún cá rô đồng, đuôi bò hầm ba kích trắng An Giang... vào thực đơn giới thiệu đến du khách.Ảnh: Sài Gòn giải phóng. 

Còn ông Đoàn Minh Phú, Tổng Giám đốc, Tổng bếp trưởng chuỗi “Nhà hàng Siêu thị Thế giới Hải sản” cho rằng, ẩm thực Việt Nam có nhiều cơ hội để nhận được sao Michelin nhờ vào sự mở rộng ra đấu trường quốc tế của Tổ chức Michelin, hiện nay, Michelin không chỉ tập trung vào các nhà hàng cao cấp mà đã tập trung cả vào các nhà hàng bình dân nhưng có phong cách độc đáo. Việt Nam có đội ngũ đông đảo các nghệ nhân ẩm thực, các đầu bếp lành nghề, yêu ẩm thực và có năng lực sáng tạo tuyệt vời. Ẩm thực Việt Nam khá phong phú, độc đáo, đa dạng do chịu ảnh hưởng sâu sắc về yếu tố địa lý, khí hậu, lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, thách thức hàng đầu với ẩm thực Việt Nam là cần bảo đảm các nguồn nguyên liệu sạch từ các trang trại xanh hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tiếp đó là chất lượng dịch vụ.

Theo các chuyên gia về ẩm thực, để đạt được sao Michelin cần sự chung tay của nhiều bên, cần một kế hoạch, lộ trình để nâng cao chất lượng, dịch vụ của Ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để thu hút, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp văn hóa, tăng cường hợp tác từ các nhà hàng và chuyên gia Michelin với Việt Nam. Việc này không chỉ làm nâng tầm ẩm thực Việt Nam mà còn đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy và xúc tiến, quảng bá du lịch tới bạn bè quốc tế.

Xây dựng đề án cho ẩm thực Việt 

Chiều 17/6 vừa qua, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) công bố đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, đất nước ta mang trên mình những dòng chảy đặc sắc, với giá trị lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, với hàng ngàn món ăn đa dạng, độc đáo...

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu ẩm thực quốc tế sau một thời gian trải nghiệm đều có nhận xét tích cực về tiềm năng phát triển của ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam ra đời với mong muốn truy tầm, phục dựng và nâng tầm văn hóa - ẩm thực Việt Nam một cách bền vững.

Theo thông tin đăng tải trên Sài Gòn giải phóng, đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024” phân chia cụ thể những việc sẽ làm theo từng năm. Ví dụ, trong năm 2022,  dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của các địa phương. Kết thúc năm 2022 sẽ là Liên hoan 100 món ăn đặc sắc Việt Nam, quy tụ các nghệ nhân của 63 tỉnh thành, dự kiến phối hợp cùng Sở Du Lịch Tp.HCM.

Tiếp đến, trong năm 2023, thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Ban tổ chức chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng “Mô hình kinh tế khởi nghiệp”. Mô hình tạo tiền đề cho thế hệ trẻ, các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên “bản đồ” thế giới. 

Trong năm 2024, thực hiện chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành “Bản đồ Ẩm thực Việt Nam", hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam (bao gồm cả bảo tàng thật ngoài đời và định dạng ảo 3D) nhằm phục vụ du khách tham quan.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cũng đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch ẩm thực để quảng bá du lịch ẩm thực và sử dụng hình ảnh ẩm thực để quảng bá chung cho du lịch Việt Nam. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu có thể triển khai thông qua hình ảnh, video clip giới thiệu các món ăn, chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực trên truyền hình, thông tin, tư liệu, công thức chế biến món ăn, hướng dẫn về trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam...

Trong tương lai, khi điều kiện cho phép, Nhà nước có thể đầu tư xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam, trưng bày lưu giữ các hình ảnh, mô hình các món ăn của 54 dân tộc, tư liệu về công thức chế biến cũng như văn hóa thường thức. Đây cũng sẽ là điểm tham quan thú vị cho khách du lịch, vừa tham quan vừa được trải nghiệm thực tế các món ăn mình ưa thích.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.