Diễn đàn do Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận phối hợp một số đơn vị liên quan tổ chức. Tham gia diễn đàn có lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, đại diện nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030...
Với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26” diễn đàn đã thu hút đông đảo các tham luận của đại biểu về biến đổi khí hậu, như: Thích ứng biến đổi khí hậu, những thông điệp cần mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền, truyền thông; Phát huy vài trò của Nhà báo trong tuyên truyền về phát triển xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược và hành động của Việt Nam để thực hiện kết quả của COP26; Những nội dung chính để thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…
Tỉnh Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bình Thuận là 794.245ha với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000km2.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích đất có rừng là 336.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43% và còn khoảng 150.000ha đất cát và núi đá khô cằn (chiếm 19% tổng diện tích tự nhiên).
Theo ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân tỉnh nhà.
Hiện tượng sa mạc hóa và suy thoái đất đang từng bước tấn công các vùng phía bắc tỉnh Bình Thuận như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình gây ảnh hưởng đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân trong khu vực.
Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng... và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: Diễn đàn là địa chỉ để chúng ta cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực nóng của tài nguyên môi trường.
Thông qua Diễn đàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan mong muốn truyền tải và tiếp nhận những thông điệp từ doanh nghiệp, người dân, qua đó nắm bắt tốt hơn thực tiễn quản lý, giúp bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới Bộ đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước tiếp tục chung tay, quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; gìn giữ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26; động viên, khuyến khích phát triển những phong trào, giải pháp, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.