Chị Nguyễn Thị Ninh (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "Nhà tôi có hai mẹ con nhưng chỉ có một xe máy. Tôi mua năm 2002 để đi dạy học và nay để lại cho con đi học. Nếu sang tên đổi chủ cho con thì bất hợp lý quá, vì lúc cần tôi cũng phải đi, chẳng lẽ cứ đổi đi đổi lại à?. Mai sau con tôi ra trường đi làm có tiền mua xe mới thì lại đổi chủ cho mẹ sao?. Nhiêu khê quá.
Cũng có mặt tại đây, chị Mai Hoa tỏ vẻ bực mình: "Không thể hiểu nổi, đã là vợ chồng thì xe cộ, nhà cửa là của chung. Vợ đi xe của chồng hay chồng đi xe của vợ là quyền của chúng tôi. Ngay cả con cái đi xe của bố mẹ, anh chị em mượn xe của nhau cũng là điều bình thường. Bây giờ, đè chúng tôi ra phạt, thật quá vô lý, quá nhiêu khê. Không lý tôi mượn xe anh em chạy ra chợ phải viết giấy sau đó ra phường đóng dấu".
Không thể phủ nhận, câu chuyện liên quan đến Nghị định 71 trở thành đề tài nóng bỏng nhất trong mấy ngày qua, từ các trang mạng, diễn đàn đến từng bữa ăn của mỗi gia đình đều không ngớt bàn tán. Tất cả đều có chung nhận định, chẳng hiểu cơ sự nào mà những nhà quản lý đẻ ra quy định tréo ngoe như vậy.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) cho rằng, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện tại Nghị định 71 là không phù hợp. Nó tạo điều kiện cho CSGT can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không phải trách nhiệm quản lý của mình. Người ta đi xe không chính chủ là việc bình thường. Quản lý là điều cần thiết nhưng cũng vừa phải.
Ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp).
"Cơ quan chức năng can thiệp quá sâu, đến mức phạt cả việc không sang tên đổi chủ là không chấp nhận được. Còn việc giải quyết hậu quả do không sang tên đổi chủ, gây khó khăn cho việc xử lý các vụ việc liên quan đến án hình sự, vi phạm, là trách nhiệm của ngành công an", ông Sơn thẳng thắn.
Ông Sơn cũng khẳng định, bắt người ta phải chứng minh chiếc xe đang đi là xe mượn hay xe mua nhưng chưa sang tên đổi chủ là vô lý. Đấy là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền chứ không phải của đương sự, hơn nữa phải trong bối cảnh có tranh chấp về quyền sở hữu. Còn việc lưu thông chiếc xe chưa sang tên đổi chủ không ảnh hưởng gì đến trật tự giao thông.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Đương, ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội nhận định, chủ trương đúng hướng, nhưng khi ban hành cần có thời kỳ quá độ, có sự chuẩn bị. Ở đây phải cân nhắc cách làm bởi người tham gia phương tiện giao thông khi ra đường thì phải đem theo đầy đủ giấy tờ sở hữu xe. Mượn xe cũng là quyền dân sự bình thường. Cần tính cho hết các trường hợp chứ không nên cứng nhắc quá. "Theo tôi, phải làm thế nào đó để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cá nhân. Mọi chính sách đều phải tính đến yên dân trước", ông Đương nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên hoãn quy định, đồng thời nghiên cứu sâu sắc để đưa ra những quyết sách hợp tình hợp lý hơn.
Trinh Phúc - Anh Đức