Thực tiễn bộn bề, tâm tư ngổn ngang
Liên quan đến việc xử phạt chủ phương tiện xe máy, ô tô mua bán trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, quy định đó hoàn toàn không khả thi. Ông Hùng phân tích, luật pháp Việt Nam không cấm việc mượn xe cũng như không bắt buộc người điều khiển phương tiện phải sử dụng xe chính chủ. Hơn nữa, “vấn đề đặt ra là khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt làm sao có thể xác định được người điều khiển phương tiện mua bán không sang tên đổi chủ?", ông Hùng đặt câu hỏi.
Theo ông Hùng, việc xử phạt lỗi trên nghe thì rất hợp lý nhưng không khả thi. Chuyên gia này cho rằng, điều cần làm bây giờ là các cơ quan chức năng phải tham mưu để giảm lệ phí trước bạ. Lúc này người dân sẽ tự nguyện thực hiện việc sang tên đổi chủ. Khi mà việc sang tên đổi chủ phương tiện mất phí đến hơn 1/10 tài sản thì chủ phương tiện sẽ chẳng dại gì làm. Họ sẽ thực hiện dưới hình thức ủy quyền hoặc cầm giấy tờ khi lưu thông dưới danh nghĩa mượn phương tiện. Lúc đó, CSGT không thể có đủ căn cứ để xử phạt được, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực UB Pháp luật của Quốc hội cũng nhận định, cách phạt xe không chính chủ vừa không khả thi vừa gây phản ứng trong dân. Đại bộ phận là dân nghèo, cả nhà có một cái xe đi chung tại sao bây giờ lại nói đến chuyện chính chủ hay không chính chủ. Đây là một chủ trương thiếu thực tiễn của những người ngồi trên trời làm chính sách. Đây là chính sách không khả thi, không phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ông Minh nói.
Theo quan điểm của vị ĐBQH này, chủ trương sai thì phải sửa, không phù hợp cũng phải thay đổi. Ông Minh dẫn chứng việc trước đây ngành giao thông cũng đưa ra một số dự thảo hết sức phi lý như quy định người thấp bé nhẹ cân không được điều khiển xe gắn máy. Sau khi nhân dân phản ứng, Quốc hội phản đối, quy định này đã phải bỏ.
CSGT gặp khó khăn khi xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ.
Đề cập đến chủ trương xử phạt xe không sang tên đổi chủ, ông Minh cũng thẳng thắn: "Trước phản ứng của dư luận, bản thân cơ quan ban hành chính sách cũng sẽ phải tự điều chỉnh. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì một thời gian sau đó, UB Pháp luật sẽ có ý kiến. Luật Khiếu nại cũng có quy định là cơ quan ban hành chính sách tự xem lại quyết định của mình, tự sửa chữa, nếu không sửa sẽ bị tuýt còi".
Các chuyên gia giao thông cho rằng, phương tiện không chính chủ hiện tràn lan trên đường. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng con số đó không dưới 50%. Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không thể biết chủ đầu là ai, thậm chí người đó đã mất hoặc bặt vô âm tín. Quá trình xác minh thực sự rất khó, chi phí đi xác minh nhiều khi còn cao hơn cả tiền phạt và tiền mua xe mới. Thiết nghĩ, lực lượng chức năng nên tập trung vào xử lý các hành vi nguy hiểm như chạy quá tốc độ, đua xe, uống rượu bia, còn các hành vi khác thì phải nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Không phải cứ đánh vào túi tiền là người dân sẽ thực hiện, một chuyên gia lên tiếng.
Được biết, cách đây ít ngày, ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tham mưu cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ.
Cảnh sát giao thông than khó
Trung tá Nguyễn Chí Công, đội trưởng Đội CSGT số 7 (CA.TP Hà Nội) cho biết, chủ trương xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ đã được tiến hành từ trước theo Nghị định 34. Điểm khác nhau căn bản trong lần điều chỉnh này nằm ở mức phạt đối với các phương tiện. Theo trung tá Công, mức phạt 800.000 - 1, 2 triệu đồng đối với chủ phương tiện xe máy hay 8-10 triệu đối với chủ xe ô tô vi phạm là quá cao so với đời sống của người dân hiện nay. Trong khi những trường hợp không sang tên đổi chủ đa số rơi vào người nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
"Nâng mức phạt quá cao thực sự khiến người dân choáng váng. Thậm chí nhiều người đã không còn giữ được bình tĩnh khi biết quy định mới này. Bản thân lực lượng CSGT cũng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý. Đội CSGT số 7 cũng chưa tiến hành xử lý trường hợp nào vi phạm. Chúng tôi mới chỉ nhắc nhở và chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên", trung tá Công nói.
Theo số liệu Đội CSGT số 7 cung cấp, từ khi áp dụng Nghị định 34 xử phạt trường hợp không sang tên đổi chủ, trung bình mỗi tháng đơn vị chỉ xử lý từ 1 đến 2 vụ có liên quan đến lỗi vi phạm này. Tất cả những trường hợp đều được phát hiện sau khi đưa về trụ sở. "Ngay tháng 10/2012, trong số hàng trăm trường hợp vi phạm an toàn giao thông cũng chỉ có một chiếc xe duy nhất dính lỗi này. Từ 10-15/11, đơn vị đã xử lý 1.405 trường hợp, tạm giữ 19 phương tiện và 564 các loại giấy tờ, tuy nhiên không xử lý trường hợp nào vi phạm không sang tên đổi chủ", trung tá Công nhấn mạnh.
Số liệu trên phản ánh một thực tế, việc phát hiện xe vi phạm không sang tên đổi chủ không nhiều. Trong khi đó, theo ủy ban An toàn Quốc gia, hiện có tới 40% xe lưu hành trên đường không chính chủ.
Trung tá Hoàng Văn Đạo, đội trưởng Đội CSGT số 11 (CA TP. Hà Nội) cho biết: "Nghị định 71 về việc xử phạt phương tiện không sang tên đổi chủ là rất hay và cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này không phải là việc làm đơn giản. Việc xử phạt chủ yếu được phát hiện khi chủ phương tiện mắc các lỗi thông thường như không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, vượt quá tốc độ. Khi CSGT dừng phương tiện, tiến hành kiểm tra mới xử lý lỗi trên. Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng chưa xử lý trường hợp nào đi xe không chính chủ”.
Trung tá Đạo cũng thừa nhận, mức xử phạt theo Nghị định 71 là quá cao, khiến người dân hoang mang, lo sợ mỗi khi ra đường. Thu nhập của người dân hiện nay còn thấp, với mức phạt như vậy sẽ khiến họ thêm rất nhiều gánh nặng. Trường hợp mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định mới bị xử phạt, còn trường hợp mượn xe hay hợp đồng lái xe thuê sẽ không bị xử phạt.
Trung tá Nguyễn Khánh Trường, đội Tuần tra CSGT đường bộ (Phòng CSGT, công an tỉnh Hà Nam) cho biết, việc xử lý các trường hợp chưa sang tên chính chủ phải làm rõ việc người ta mua bán thì mới có thể xử phạt được. "Quy định trên thực tế đã có từ lâu, hiện tại chỉ nâng mức phạt cao hơn. Chúng tôi làm trực tiếp ngoài đường, đối tượng chính là các loại xe ô tô chủ yếu lại là hợp đồng thuê lái. Khi xác định rõ xe mua chưa sang tên thì mới phạt được. Khi kiểm tra giấy tờ xe, có người thật thà thì người ta nhận, còn không, họ đều nói là đi mượn. Như vậy sẽ xử lý như thế nào", trung tá Trường nói.
Cần thiết tạm dừng để nghiên cứu lại Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc ủy ban ATGTQG kiến nghị Chính phủ để CSGT tạm ngừng thực thi việc này là rất đúng. Quy định đánh vào hành vi trốn thuế chứ không đánh vào người tham gia giao thông trên đường. Có lẽ điều này không rõ ràng nên mới gây phản ứng trong dư luận như vậy. Chính phủ nên tạm dừng 6 tháng hay một năm và yêu cầu người dân chuyển đổi, sau thời gian đó sẽ xử lý nghiêm. "Các văn bản liên quan đến số đông người dân thì các cơ quan chức năng phải thận trọng. Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ, tuy nhiên cần phải có cách làm thế nào để thuận lợi cho dân", ông Thảo nói. |
Anh Đức - Trinh Phúc