70 phút căng thẳng cứu bệnh nhi
Ngày 5/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu đã phẫu thuật thành công bệnh nhi bị tắc động mạch khoeo kèm bệnh lý tim bẩm sinh shunt 2 chiều - hội chứng Eisenmenger.
Bệnh nhân nhi N.X.P., nam, 14 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 11h10 ngày 3/4 với tình trạng mệt, khó thở, đau nhức chân phải, chân phải lạnh, động mạch khoeo chân phải không bắt được mạch.
Các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và thực hiện các xét nghiệm cấp cứu. Kết quả siêu âm tim màu, mạch máu và chụp cắt lớp vi tính mạch máu có cản quang ghi nhận tắc hoàn toàn đoạn xa động mạch đùi nông chân phải do huyết khối.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị thông liên thất kích thước lớn, shunt 2 chiều, tăng áp động mạch phổi rất nặng 100mmHg.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối với chẩn đoán: tắc động mạch khoeo cấp, thông liên thất shunt 2 chiều - hội chứng Eisenmenger. Tình trạng nặng với nguy cơ tử vong cao do tăng áp phổi - hội chứng Eisenmenger.
Ê-kíp ThsBs.Trần Thanh Bình khoa ngoại lồng ngực mạch máu, Bs CK1 Nguyễn Văn Vĩnh khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 70 phút.
Tình trạng hiện tại, cháu tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, mạch chày trước, chày sau bên phải rõ, chi phải ấm, hồng, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa ngoại lồng ngực mạch máu.
Có thể đối diện biến chứng nghiêm trọng
Theo Bs CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức bệnh viện, gây mê hồi sức cho các phẫu thuật ngoài tim ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch kèm theo vẫn còn là một thách thức đối với các bác sĩ gây mê hồi sức và các phẫu thuật viên, mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật gây mê hồi sức cũng như can thiệp và điều trị nội khoa tim mạch.
Hội chứng Eisenmenger thường là hậu quả của một khiếm khuyết về cấu trúc của tim, trong đó tồn tại một dòng máu bất thường chạy giữa các buồng tim thông qua các lỗ thông, tạo nên sự hòa trộn máu đỏ tươi là máu “giàu oxy” và màu đỏ sẫm là máu “nghèo oxy”.
Hậu quả là các cơ quan trong cơ thể không được đáp ứng đủ nhu cầu oxy cần thiết.
Bệnh nhân mắc Hội chứng Eisenmenger có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như cơn thiếu oxy cấp tính, áp xe não, thuyên tắc mạch, tạo huyết khối, dễ chảy máu do giảm tiểu cầu.. ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nguy cơ biến chứng và tử vong phẫu thuật của bệnh có tăng áp động mạch phổi, và hội chứng Eisenmenger là cao đặc biệt nếu là phẫu thuật cấp cứu.
Nói thêm về ca cấp cứu bệnh nhi nguy kịch trên, Bs CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, hội chứng Eisenmenger là một tình trạng bệnh lý nặng nề của hệ tim mạch, thường gặp trong các bệnh tim bẩm sinh và không quá phổ biến trên lâm sàng.
Vì vậy, để phẫu thuật thành công cần phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của nhiều chuyên khoa: cấp cứu, tim mạch, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, ngoại lồng ngực mạch máu... Trong đó, đặc biệt phải kể đến đội ngũ gây mê hồi sức, sẽ phải đảm bảo an toàn phẫu thuật cho bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao này.
"Một bệnh viện phát triển về ngoại khoa cần phải đồng bộ: Gây mê - phẫu thuật viên - hồi sức sau mổ. Nghĩa là trong bất kỳ ca mổ nào, bao giờ cũng có bác sĩ gây mê - hồi sức và phẫu thuật viên song hành.
Đặc biệt, trong các ca bệnh lý nặng nề của hệ tim mạch như Hội chứng Eisenmenger càng cần phải có đội ngũ gây mê hồi sức giỏi. Từ đó mới có thể đảm bảo duy trì cho bệnh nhân ổn định thì phẫu thuật viên mới toàn tâm phẫu thuật thành công.
Cũng chính vì vậy, giới chuyên môn luôn đánh giá rất cao vai trò của bác sĩ gây mê - hồi sức, những người cùng với các phẫu thuật viên quyết định thành công cho các ca phẫu thuật", Bs Phong nói thêm.
Thanh Lâm