Theo lời kể của bệnh nhân, từ nhỏ, ông đã có một lỗ rò ở tai phải, thường xuyên gây ngứa ngáy khiến ông phải lấy cây tăm nhang chọc vào chỗ ngứa. Một năm trước, trong khi đang ngoáy tai bằng cây tăm nhang, nó bị gãy và mắc kẹt trong tai.
Một tháng trước, vùng phía trước và sau vành tai phải bị sưng lên, phù nề, chảy rất nhiều dịch hôi. Sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện một vùng mô xơ nhiễm trùng kéo dài từ trước ra sau vành tai.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra một đoạn cây tăm nhang dài khoảng 2cm. Theo bác sĩ Thái Hữu Dũng, đoạn tăm nhang này cắm vào đường rò khiến dịch tiết không thoát ra được qua lỗ rò ở phía trước nên đã ứ lại ở ống tai, xì ra ở lỗ rò sau vành tai và gây nhiễm trùng ở các lỗ rò. Nếu không phẫu thuật kịp thời, vùng nhiễm trùng sẽ lan rộng, có thể phải gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ CK II Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM, cố vấn chuyên môn Tai Mũi Họng cho biết, ông đã công tác 37 năm trong nghề nhưng lần đầu tiên thấy trường hợp hiếm gặp về rò luân nhĩ như thế này.
Lỗ rò luân nhĩ là một khuyết tật bẩm sinh và khoảng 2/3 bệnh nhân thường bị viêm nhiễm. Do đó, nếu có đường rò luân nhĩ, bệnh nhân nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò. Nếu rò luân nhĩ đã nhiễm trùng thì bắt buộc phải đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ có phác đồ điều trị riêng, phẫu thuật kịp thời.
Lành Nguyễn