Bé Đỗ Đình Hải Hưng, 5 tuổi, là con trai của anh Đỗ Đình Đính và chị Đỗ Thị Thành (ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) mắc chứng bệnh u hắc tố da ngay từ khi mới sinh ra. Theo đó, toàn bộ phần da ở cánh tay phải của bé Hưng đen sẫm, mọc lông dày, rậm y như cánh tay khỉ. Ngoài ra, ở chân và bụng của bé Hưng cũng có những phần da bị u hắc tố có diện tích từ 1-5cm.
Cánh tay phải của bé Đỗ Đình Hải Hưng bị u hắc tố da khiến lớp da sần sùi, mọc lông dày khiến em rất mặc cảm trước mọi người.
Bác sĩ Ngô Anh Tú, khoa Tạo hình Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ trong ê-kíp phẫu thuật cho bé Đỗ Đình Hải Hưng, cho biết: U hắc tố da hay còn gọi là nốt ruồi hắc tố bẩm sinh xuất hiện với tỷ lệ khoảng 1/20.000 trẻ sơ sinh và trong đó có 1/500.000 dạng nặng như trường hợp của bé Hải Hưng, còn gọi là nốt ruồi hắc tố bẩm sinh khổng lồ. Đây là dạng u hắc tố lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nhưng bệnh nhân sẽ gặp nhiều ảnh hưởng không tốt về mặt tâm lý do yếu tố thẩm mỹ.
Trước đó, bé Hải Hưng đã được phẫu thuật một lần để ghép vùng da từ khuỷu tay đến vai bằng phương pháp nội soi đặt túi giãn da.
"Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh này nên phẫu thuật sớm, vì vẫn có nhiều trường hợp mắc bệnh u hắc tố này để lâu chuyển sang giai đoạn ác tính, với tỷ lệ từ 1-2%. Ngoài ra, phẫu thuật sớm cũng giúp các em nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tránh những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống", bác sĩ Ngô Anh Tú cho biết thêm.
Phương pháp phẫu thuật nội soi đặt túi giãn da mà Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng thành công sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng thành công kỹ thuật phức tạp điều trị cho bệnh nhân bị u hắc tố da diện rộng.
Ngày 21/1, bé Đỗ Đình Hải Hưng đã được các bác sĩ Bệnh viện nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật lần 2 cho phần từ khuỷu tay đến bàn tay. Ở lần 1, bé Hải Hưng đã được cấy ghép từ vai đến khuỷu tay thành công.
Theo bác sĩ Tú, Bệnh viện nhi Trung ương đã áp dụng phương pháp nội soi đặt túi giãn da ở phần nách bụng của cánh tay để lấy da thay cho vùng da bị u hắc tố. Theo đó, một túi khí được đưa vào bên trong cơ thể bé Hải Hưng và bơm căng giãn da. Sau đó bác sĩ cắt bỏ phần da bị u hắc tố và cấy vào bên trong phần da được bơm căng. Sau 6 tuần, phần da được nuôi cấy sẽ thay thế cho phần da bị u hắc tố được cắt bỏ trước đó.
Được biết, đây là lần thứ hai Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng thành công phương pháp nội soi đặt túi giãn da để điều trị cho bệnh nhân bị u hắc tố da diện rộng, góp phần khẳng định đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật phức tạp và khá mới mẻ này ở Việt Nam.
Theo Dantri