'Phẫu thuật' xe gian và bí mật đường dây sang tên đổi chủ

'Phẫu thuật' xe gian và bí mật đường dây sang tên đổi chủ

Thứ 4, 02/10/2013 15:41

Nạn trộm cướp xe máy hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, sau khi xe của mình bị mất thì nó sẽ đi về đâu, làm sao để tìm lại nó, dù đã báo công an nơi cư trú. Đó cũng là một vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Theo điều tra của PV báo Người đưa tin, việc tiêu thụ xe được đánh cắp có rất nhiều thủ đoạn, thậm chí là cả một quy trình khép kín...

Công nghệ cao và "đầu ra" của xe gian

Theo các nguồn tin riêng của PV báo Người đưa tin thì xe máy bị trộm cướp hiện nay thường có hai "đầu ra" làm giả giấy tờ; giả số khung, số máy rồi đưa vào các tiệm cầm đồ ký gửi hoặc gạ bán với giá rẻ, hoặc tuồn sang nước khác như Campuchia, Lào. Đây là nơi đang có có nhu cầu rất lớn về xe máy giá rẻ. Hướng thứ hai nhanh gọn mà an toàn hơn là "rã" xe ra từng bộ phận để bán phụ tùng. Một cò chuyên làm giấy tờ xe tên Bình (ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết, việc làm giả giấy tờ xe hiện nay được thực hiện vô cùng tinh vi và rất khó phát hiện, thậm chí thuộc hàng tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng này thường sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe thật đưa vào máy tính. Sau đó dùng các phần mềm để chỉnh sửa lại cho phù hợp với số khung, số máy, tên chủ xe, địa chỉ của xe vừa trộm được rồi in màu. Kỹ thuật in ấn hiện đại đến mức, phải trưng cầu giám định thì cơ quan điều tra mới phát hiện được giấy tờ thật, giấy tờ giả.

Xã hội - 'Phẫu thuật' xe gian và bí mật đường dây sang tên đổi chủ

Rất nhiều chiếc xe tại Campuchia có nguồn gốc từ Việt Nam.

Theo điều tra của chúng tôi thì hiện nay, thường có hai thủ đoạn làm giả giấy tờ. Thứ nhất, từ mẫu đăng ký thật, bọn tội phạm dùng thủ thuật trên máy vi tính để xóa nội dung cũ và viết thay vào đó thông số của các phương tiện mà chúng muốn. Thứ hai, chúng giữ nguyên mẫu thật của mặt trước giấy đăng ký và chỉ sử dụng thủ thuật ở phần nội dung thông số ở mặt sau. Có trường hợp, chúng làm giả hoàn toàn.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, một thợ sửa xe lâu năm trên đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) cho biết, bên cạnh việc làm giả giấy tờ xe, bọn tội phạm còn thay đổi đặc điểm nhận dạng ban đầu của xe bằng cách phun lại màu sơn, thay gương, đổi yếm... làm cho việc nhận diện xe mất cắp theo lời khai báo của nạn nhân bị mất xe dường như không hiệu quả. Sau khi "khoác áo mới", xe gian được đeo biển kiểm soát giả, sử dụng giấy tờ giả để bán cho người sử dụng có nhu cầu với giá thấp hơn giá thị trường. Có thể các loại xe này được đưa về các vùng quê, bán lại cho những người đi làm rừng, rẫy... nên không thể kiểm soát. Hoặc chúng đem đến các tiệm cầm đồ để cầm cố với giá tiền dưới 50% giá trị thật của xe rồi không quay lại chuộc. Việc tiêu thụ xe gian bằng giấy tờ giả thường là của bọn tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, thậm chí liên quốc gia.

Mới đây nhất, ngày 9/8 vừa qua, cơ quan CSĐT công an TP. Lào Cai đã khởi tố vụ án hình sự đối với đối tượng Nguyễn Ngọc Tiền về hành vi làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức Nhà nước để tiêu thụ 23 chiếc xe máy. Theo đó, từ tháng 1/2013 đến tháng 7/2013, Tiền móc nối với Hoàng Văn Học, ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) để làm giả các loại giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe máy; tự dập và gắn biển số xe máy của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêu thụ 23 chiếc xe máy hiệu Air Blade và xe Honda loại mới. Đây là những chiếc xe máy do hai tên này mua của những kẻ trộm cắp với giá rẻ, sau đó sơn sửa lại như mới để tiêu thụ. Sau khi làm đủ giấy tờ phù phép cho các xe gian này, Tiền thuê xe chở lên Lào Cai, rồi đem đến các hiệu cầm đồ trên địa bàn thành phố ký gửi với giá trên 20 triệu đồng một chiếc.

Có chiếc “bay” tận vào TP.HCM để “vi vu”

Gần đây, công an tỉnh Đồng Nai đã lập chuyên án và bắt giữ một băng nhóm chuyên làm giả và tiêu thụ xe gian. Theo kết quả điều tra, bọn tội phạm này đã "sản xuất" rất nhiều loại giấy tờ của các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc với mẫu con dấu, chữ ký của phòng cảnh sát giao thông 22 tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Sóc Trăng, Tây Ninh... Ngoài ra, còn có mẫu con dấu, chữ ký của công an một số tỉnh, thành phố và mẫu con dấu, chữ ký của các UBND quận, huyện thuộc TP.HCM. Ban chuyên án đã thu giữ được hàng trăm giấy chứng nhận đăng ký xe, CMND, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy, hộ khẩu và dụng cụ đục số xe... Theo lời khai, bọn chúng đã làm giả khoảng 1.000 bộ hồ sơ và tiêu thụ trót lọt hàng ngàn xe máy, riêng xe Wave, chúng cho người mang đến các cửa khẩu biên giới tại các tỉnh An Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và đưa sang Campuchia để tiêu thụ.

Xã hội - 'Phẫu thuật' xe gian và bí mật đường dây sang tên đổi chủ (Hình 2).

Bốn đối tượng trong đường dây tiêu thụ xe gian liên tỉnh và thậm chí sang cả Campuchia vừa bị bóc gỡ và bắt giam.

“Xẻ thịt” và xoá dấu vết

Vạch trần thủ đoạn làm giả

Một cán bộ văn phòng công an TP.HCM cho biết, ngoài việc làm giả giấy tờ, bọn gian này còn thuê các đối tượng làm nghề sửa chữa xe máy lấy số khung, số máy thật của những xe có giá trị thấp để dán vào những chiếc xe tay ga đắt tiền, rồi bán cho người sử dụng. Ngoài việc cắt dán, hiện nay các đối tượng phạm tội còn dùng thủ đoạn mài số khung, số máy, sau đó đục lại số mới cho phù hợp với các đăng ký xe giả. Các biển số xe cũng được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí là từ những chiếc xe đã được bung ra bán phế liệu.

Anh T., người có thời gian phải ngồi bóc lịch trong nhà đá về tội trộm cắp xe gắn máy đã hoàn lương cho biết, hoạt động mua bán, cầm cố xe máy đánh cắp bằng hình thức làm giả giấy tờ, hồ sơ, làm giả số khung, số xe... là rất phổ biến và tinh vi. Hình thức này đòi hỏi phải làm việc có tổ chức, rủi ro cao khi bị nghi ngờ, nhưng bù lại mỗi lần thành công thì số tiền kiếm được rất lớn. Riêng ở TP.HCM, việc mua bán xe không có giấy tờ diễn ra khá bình thường, nhất là ở các khu chợ phụ tùng xe gắn máy như chợ Cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh; chợ Tân Thành ở quận 5, chợ Dân Sinh thuộc quận 1... Các đối tượng mang xe trộm cướp được đến những khu này, có thể vào bất cứ cửa tiệm nào chào bán, sau khi thương lượng, thỏa thuận giá cả thành công, bọn lưu manh sẽ được trả tiền sòng phẳng, còn xe gian chỉ cần sau vài chục phút "xẻ thịt" là mọi dấu vết của chiếc xe bị đánh cắp coi như được xóa sạch.

Mỗi tháng “tháo khớp” 50 xe tay ga

Mới đây, phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, công an TP.HCM đã thâm nhập và phá thành công "lò xẻ thịt" các xe máy trộm cướp cuả cặp vợ chồng Lữ Sỹ Tuấn (43 tuổi) và Trần Thanh Bạch (43 tuổi) ngụ quận Tân Phú, TP.HCM. Theo điều tra, trong suốt 15 năm, cặp vợ chồng này đã thường xuyên móc nối với các đối tượng trộm cướp xe máy để mua xe gian với giá rẻ, mang về tháo rã các bộ phận sau đó đem ra chợ Tân Thành bán phụ tùng để hưởng chênh lệch. Theo lời khai của hai đối tượng này thì mỗi tháng, họ "tháo khớp" khoảng 50 xe tay ga, xe số đắt tiền, kiếm lời khoảng 200 triệu đồng. Ngoài các "lò mổ" có tổ chức, có quy mô, hiện nay các đối tượng trộm cướp xe máy rồi mang xe đi đơn lẻ đến các khu vực chuyên mua bán phụ tùng xe gắn máy nói trên để rã xe ra bán phụ tùng là việc diễn ra thường xuyên, không kiểm soát.

Công an TP.HCM nhận định, nạn trộm cướp xe máy hiện nay ngoài những tội phạm đơn lẻ hành động, chúng đang có xu hướng kết thành băng đảng, có hẳn một đường dây khép kín, từ trộm cướp xe đến làm giả giấy tờ và cuối cùng là tiêu thụ. Việc cắt đứt các đường dây này, đặc biệt là chặn đứng đường đi của xe gian ở khâu tiêu thụ còn gặp rất nhiều gian nan khi lực lượng chức năng còn mỏng mà tội phạm thì ngày càng đông, hoạt động có tổ chức và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Việc giảm thiểu và ngăn chặn loại tội phạm nhức nhối này trước mắt cần sự thận trọng của người dân và tiếp đến là sự cố gắng, nỗ lực thật nhiều của các cơ quan chức năng...    

Thanh Tùng - Thanh Xuân

Kỳ tới: Những chuyên án xoá sổ các "tập đoàn" đá xế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.