Ngày 20/9, nguồn tin của PV báo Người Đưa Tin cho biết, bị can Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), Tổng Giám đốc công ty CP Địa ốc Alibaba vừa bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn tạm giam 4 tháng để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn đối với bị can Nguyễn Thái Luyện, Công an TP.HCM đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can. Vì đối tượng này bị bắt trong trường hợp bắt khẩn cấp.
Cũng trong sáng cùng ngày, hàng loạt nạn nhân tới công an tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty Địa ốc Alibaba.
Anh Nguyễn Văn T. cho biết, anh từng mua 2 lô đất của công ty Địa ốc Alibaba tại Vũng Tàu với số tiền 290 triệu đồng theo hình thức trả góp. Theo cam kết, anh T. đóng 50% giá tiền (gần 150 triệu đồng), số còn lại đóng theo hình thức trả góp, mỗi tháng 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, mới đây anh T. thấy cơ quan chức năng tại Vũng Tàu cưỡng chế dự án của công ty này nên hoang mang lo lắng.
“Cả tháng nay, tôi tìm đến trụ sở chỉ để mong gặp Giám đốc đòi lại số tiền gốc mà mình đã đóng, nhưng đi nhiều lần vẫn chưa giải quyết được.
Bây giờ thấy công an bắt cả Chủ tịch và Giám đốc công ty nên càng lo lắng hơn. Tôi chỉ sợ mất trắng số tiền đã nộp cho công ty này”. Anh T. phân trần.
Còn chị Nguyễn Thị L, ngụ Đồng Nai lại sốc hơn khi đã vay mượn anh em bạn bè để đầu tư đất.
“Tôi thấy lợi nhuận có vẻ tốt hơn nhiều so với gửi ngân hàng, nên sau khi dành dụm được 300 triệu đồng đã xuống tay đầu tư một lô đất tại dự án Bình Thuận của công ty Địa ốc Alibaba với giá gần 500 triệu đồng, theo hình thức thanh toán trước 60%, còn 40% còn lại trả góp mỗi tháng gần 3 triệu đồng.
Thấy nhân viên quảng cáo lãi suất cao, nên tôi liều vay anh em bạn bè mỗi người một ít để đầu tư thêm một lô tại huyện Long Thành, Đồng Nai cũng của công ty này với giá 460 triệu đồng.
Hiện công ty đã gỡ bỏ, người đứng đầu bị bắt, gia đình tôi mất ăn mất ngủ lo lắng nhiều ngày nay. Giờ chỉ mong công an tiếp tục điều tra, phong tỏa tài sản sớm trả lại cho người dân để họ ổn định cuộc sống”. Chị L. cho biết.
Một khách hàng cho biết: “Sau khi bắt Chủ tịch và giám đốc công ty Alibaba, chúng tôi mới ngộ ra, điều mà công ty này “nổ” cho khách hàng biết hoàn toàn được thổi phồng lên.
Nào là vốn điều lệ nhiều tỷ đồng, công ty BĐS hàng đầu Đông Nam Á… đều là không có. Trong khi đó, trụ sở công ty cũng chỉ là đi thuê, đất dự án thì tự vẽ ra mà bán đi bán lại cho nhiều người cùng một số lô, dự án như nhau…”.
Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay điều mà khách hàng của công ty Địa ốc Alibaba cần làm nhất chính là thu thập hồ sơ, hợp đồng, giấy tờ mua bán liên quan trình báo với cơ quan Công an TP.HCM, hoặc công an địa phương để tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty này.
Sau khi có kết luận, công an sẽ làm việc, dựa vào đó để bồi thường tiền cho khách (nếu còn tiền từ tài sản của công ty Alibaba).