Theo cáo trạng của VKSND TP.C, khoảng 5h45 ngày 5/8/2017, người dân phát hiện khói lửa bốc lên bên trong phòng giao dịch của một ngân hàng tại phường T.N, quận T.N, TP.C) nên tri hô. Bảo vệ của một ngân hàng gần đó đã phá cửa để giải cứu những người bên trong.
Ngay khi nhận tin báo, lực lượng chữa cháy phòng Cảnh sát PCCC quận T.N đã đến hiện trường và phát hiện Huỳnh Nhân (24 tuổi, ngụ phường T.N, quận T.N), bảo vệ phòng giao dịch ngân hàng trên nằm bất tỉnh trong nhà vệ sinh nên đưa đi cấp cứu.
Qua kiểm tra camera an ninh tại phòng giao dịch, cơ quan chức năng xác định Nhân chính là người đã gây ra vụ cháy. Được biết, Nhân sử dụng ma túy đá cách đây khoảng 4 tháng, bản thân thiếu nợ 150 triệu đồng. Sau khi sử dụng ma túy, Nhân có ý định đốt phòng giao dịch của ngân hàng để tự tử. Theo giám định, thiệt hại của vụ cháy là 290 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an quận T.N đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Huỳnh Nhân về hành vi hủy hoại tài sản.
Căn cứ kết luận điều tra, VKS quyết định truy tố Huỳnh Nhân về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại điểm a (Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng) khoản 3, Điều 143, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Ngày 22/9/2017, TAND TP.C đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thành Nam. Đại diện VKSND, bà Lê Bích Hằng. Luật sư Trần Văn Tiêu, đoàn luật sư TP.C bào chữa cho bị cáo Nhân. Luật sư Nguyễn Thúy Hương, đoàn luật sư TP.C bảo vệ quyền lợi cho bên bị hại.
VKS: Nếu ai cũng trốn nợ như bị cáo…
Theo lời khai nhận của bị cáo Nhân tại cơ quan điều tra, do nghiện ma túy và bản thân thiếu nợ không có khả năng chi trả nên sau khi sử dụng ma túy xong, Nhân đã đốt ngân hàng với ý định tự tử. Phát hiện sự việc, nhân viên bảo vệ của một ngân hàng ở gần đó đã dũng cảm phá cửa xông vào giải cứu những người bên trong. Tuy không có thiệt hại về người nhưng hành vi phá hoại của Nhân đã khiến ngân hàng bị thiệt hại 290 triệu đồng.
Nhân khai rằng do lúc đó “phê” ma túy đá nên bị cáo không tỉnh táo. Tuy nhiên, việc bị cáo phạm tội sau khi sử dụng chất kích thích không phải là tình tiết để miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 14, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, VKS đề nghị xử phạt bị cáo 9 năm tù giam về tội Hủy hoại tài sản.
Bị cáo Huỳnh Nhân: Bị cáo nghĩ chết là sẽ chấm hết mọi thứ…
Kính thưa HĐXX, sau khi nghiện ma túy đá, bị cáo đã nhiều lần thử cai nghiện nhưng không thành. Số tiền bị cáo đang nợ cũng là tiền do mua ma túy chịu. Vì bị đòi nợ gắt quá nên bị cáo nảy sinh ý nghĩ nếu mình chết đi thì sẽ kết thúc được mọi thứ, nợ nần, nghiện ngập…
Với ý nghĩ như vậy, chiều 5/8, khi đang trong ca trực, bị cáo đã vào phòng vệ sinh phóng hỏa đốt ngân hàng để tự vẫn. Việc bị cáo không chết có lẽ là số trời nên giờ bị cáo phải đứng đây để trả giá cho hành vi của mình. Bị cáo rất hối hận vì những gì mình đã gây ra.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Bị cáo có nhân thân tốt
Thưa quý tòa, trong một thời gian dài, cộng đồng và xã hội coi những người nghiện ma túy là đối tượng tệ nạn, thậm chí là tội phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây các nhà khoa học đã chứng minh rằng nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, không phải là tệ nạn xã hội. Để chữa trị căn bệnh đó phải mất nhiều năm và mất nhiều công phu, người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị cụ thể và cần sự cảm thông của cả cộng đồng.
Việc thay đổi nhận thức, coi người nghiện ma túy là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng cũng là để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Điều này thể hiện tính nhân văn của xã hội ta.
Khi biết mình nghiện ma túy, thân chủ của tôi đã rất cố gắng cai nghiện. Tuy nhiên, nỗ lực của Nhân bất thành bởi những đối tượng bán ma túy không buông tha cho anh ta. Bằng chứng là họ sẵn sàng bán ma túy chịu cho Nhân, dẫn tới việc anh này nợ tới 150 triệu đồng.
Biết nếu cứ tiếp tục sử dụng ma túy thì sẽ có ngày phải đi bán ma túy thì mới có tiền để trả nợ và thỏa mãn cơn nghiện, trong lúc nghĩ quẩn, Nhân đã tìm đến cái chết để tự giải thoát. Hậu quả của vụ phóng hỏa là Nhân không chết nhưng ngân hàng, nơi Nhân đang làm việc bị thiệt hại 290 triệu đồng.
Thân chủ của tôi thừa nhận tội nên tôi không có ý kiến gì về cáo trạng của VKS, chỉ mong HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Nhân như thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu…, trước khi lượng hình đối với Nhân.
Luật sư bảo vệ quyền lợi của ngân hàng: Bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại
Chỉ vì muốn chết để trốn nợ mà bị cáo đã gây ra vụ hỏa hoạn ở nơi mình công tác. Nếu không được giải cứu kịp thời, rất có thể những người có mặt ở ngân hàng hôm đó đã trở thành nạn nhân của vụ cháy. Lúc đó tội danh của bị cáo không còn là Hủy hoại tài sản nữa mà sẽ là Giết người.
Nếu muốn chết, tại sao bị cáo không chọn cách để không làm ảnh hưởng đến ai mà lại thực hiện ở nơi đông người như ngân hàng? Hơn nữa, trước khi làm điều đó, bị cáo thừa biết có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Đúng như vị đại diện VKS nói, việc bị cáo sử dụng ma túy trước khi gây án không phải là tình tiết để miễn trách nhiệm hình sự. Do vậy, tôi và thân chủ của mình đồng tình với mức án mà VKS vừa đề nghị với bị cáo. Ngoài ra, chúng tôi còn đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại mà bị cáo đã gây ra cho ngân hàng.
HĐXX: Sử dụng ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời khai của bị cáo, của các nhân chứng và người liên quan, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo Huỳnh Nhân về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 143 BLHS là có cơ sở, không oan.
Đúng là chúng ta đang coi nghiện ma túy như một căn bệnh nhưng điều đó không có nghĩa là người nghiện ma túy hay có sử dụng ma túy phạm tội thì sẽ không bị xử lý. Theo quy định tại Điều 14 BLHS, người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi phóng hỏa đốt ngân hàng của bị cáo không những làm ngân hàng bị thiệt hại tài sản mà còn gây nguy hiểm đến sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của những người đang có mặt tại ngân hàng vào thời điểm đó. Về ý thức chủ quan, bị cáo biết rõ hành vi dó là nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện. Hành vi này còn làm mất trật tự trị an, gây dư luận xấu trong nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm để răn đe. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội lỗi của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải. HĐXX sẽ lưu ý đề nghị của luật sư bào chữa trước khi lượng hình.
Áp dụng quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 143; điểm p, khoản 1, Điều 46 BLHS, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Huỳnh Nhân 10 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Buộc bị cáo phải bồi thường cho ngân hàng 290 triệu đồng tiền thiệt hại do hành vi hủy hoại của bị cáo gây ra. Ngoài ra, HĐXX còn cấm bị cáo hành nghề bảo vệ trong vòng 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong bản án.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương