Một nửa của HLV Hữu Thắng
Có nhiều điểm tương đồng để nói về U20 Việt Nam bây giờ và ĐT Việt Nam trong năm đầu HLV Hữu Thắng lên “cầm cương”. Cả hai triều đại, đầu tiên, đều được VFF “chăm sóc” tận tình.
Trước trận đánh lớn U20 World Cup, U20 Việt Nam tập trung từ cách đó… 2 tháng. Hết luyện thể lực tại Nha Trang, Hà Nội, nâng cao kinh nghiệm với chuyến tập huấn dài ngày tận châu Âu, đội lại có thêm cuộc so tài rèn giũa bản lĩnh: gặp đội bóng mạnh U20 Argentina.
Lại nhớ, ở ngưỡng cửa AFF Cup 2016, ĐT Việt Nam từng liên tiếp có những đợt "thử chân" chất lượng với “quân xanh” Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia hay CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản).
Nhìn chung, dù là U20 Việt Nam hay ĐT Việt Nam thì những lần “tập bắn” đa phần thành công. Đây là bước đệm để nâng cao tinh thần và sự tin tin cho các cầu thủ.
Nói thêm rằng, ngoài sự tác động của Liên đoàn, HLV Hoàng Anh Tuấn bây giờ, HLV Hữu Thắng trước đây đang và đã có được sự ủng hộ nhiệt tình, sự quan tâm lớn lao từ người hâm mộ. Hữu Thắng ghi điểm bởi lối chơi kiểm soát bóng nhỏ, coi trọng phối hợp “vừa lòng dân”, còn người đồng nghiệp tạo điểm nhấn bởi thành tích đưa nước nhà lần đầu tiên tham dự sân chơi World Cup 11 người.
Một nửa của HLV Miura
Xét về mặt lối chơi, U20 Việt Nam là một tập thể biết mình biết ta. Đội xác định sẵn, chọn sẵn “kim chỉ nam” xuyên suốt giải đấu Thế giới sắp tới là phòng ngự phản công.
“Đầu tàu” cho đấu pháp của đội dĩ nhiên là HLV Hoàng Anh Tuấn. Ở một chừng mực nào đó, sự biến hóa đội hình, chiến thuật của ông tựa như… Miura.
Nếu HLV Hữu Thắng ở ĐT Việt Nam thường “đóng khung” các vị trí: Văn Thanh, Văn Hoàn là hậu vệ biên; Đình Luật – Ngọc Hải là cặp trung vệ; Xuân Trường – Tuấn Anh – Hoàng Thịnh đá giữa; Thành Lương – Văn Toàn chấn giữ hành lang cánh; Công Vinh sắm vai mũi nhọn, thì HLV Hoàng Anh Tuấn khác hẳn.
Khi Tiến Dụng chắc chắn không thể sang Hàn Quốc, ông Tuấn “con” khẳng định đã có sẵn tới 4,5 phương án thay thế. Thực tế, 3 trận giao hữu tại Đức, Dụng rất ít khi được dùng. Ở đó, Tống Anh Tỷ, Lương Hoàng Nam mới thường xuyên đá chính, chưa kể Thái Quý, Tiến Anh cũng nhiều lần chơi thay.
Lấy ví dụ, tại vòng chung kết U19 châu Á năm ngoái, đội trưởng Trọng Đại phải nhận thẻ đỏ ở lượt trận thứ 2 vòng bảng (gặp UAE), HLV Hoàng Anh Tuấn sau đó đã “vá lấp” nhanh chóng, để rồi chúng ta xuất sắc cầm hòa Iraq trong trận cuối (trước Iraq), giành vé vào tứ kết.
Khôn khéo trong cách dùng người, nhà cầm quân sinh năm 1968 còn khiến giới chuyên môn khó đoán định về sơ đồ tác chiến. Khi thì ông dùng 4-4-2 truyền thống, lúc cần phòng ngự là 5-4-1, cần phản công nhanh là 4-2-3-1, trước đối thủ không quá mạnh thì áp dụng một “mỏ neo” với đội hình 4-1-4-1.
Một trong những tiêu chí HLV Hoàng Anh Tuấn tuyển chọn cầu thủ đó là sự đa nặng. Ở hàng phòng ngự U20 Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể chơi ít nhất 2 vị trí. Trọng Đại đá trung vệ hoặc tiền vệ trụ. Tấn Tài chấn giữ hành lang phải hoặc chính giữa, phía trước khung thành. Đoàn Văn Hậu, dù rất trẻ nhưng đủ sức quán xuyến khu trung tâm khi cần.
Sự đa dạng trong kế sách khiến HLV Hoàng Anh Tuấn ghi điểm. Đặc trưng này có phần giống với HLV Miura – người nổi tiếng với tài ứng biến, người biết cách để Công Phượng “phát tiết” tài năng, người khám phá và làm nổi bật những Mạnh Hùng, Huy Toàn, Hữu Dũng, Ngọc Thắng hay Huy Hùng.
World Cup U20 chỉ còn gần 20 ngày nữa là chính thức khởi tranh. Với sự ủng hộ của người hâm mộ, cộng thêm một “thuyền trưởng” năng lực tốt, U20 Việt Nam, nếu có thêm may mắn, không loại trừ khả năng sẽ làm nên chuyện.
Trần Anh