“Phép màu” của mẹ giúp cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc

“Phép màu” của mẹ giúp cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc

Mai Thị Thu Hằng

Mai Thị Thu Hằng

Thứ 4, 06/12/2017 14:17

Từ một cậu bé tự kỷ, Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi (Hà Nội) đã trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam. Ngày con trai lên nhận giải, chị Phượng đứng dưới nắm chặt tay chồng và khóc. Chị khóc vì hạnh phúc, vì phép màu là có thật…

Đã từng nghĩ đến điều tiêu cực nhất...

Câu chuyện của Khôi Nguyên, 16 tuổi – cậu bé tự kỷ đã đạt kỷ lục gia xiếc Việt Nam đang khiến nhiều người khâm phục. Tuy nhiên, hành trình để đến được với thành công như ngày hôm nay của Khôi Nguyên phải có hậu phương vững chắc chính là gia đình.

Và nhiều người cũng tò mò muốn biết hơn chục năm qua, gia đình đã cùng Khôi Nguyên “chiến đấu” ra sao. Khi được hỏi đến điều này, đôi mắt chị Mai Kim Phượng (SN 1975), mẹ Khôi Nguyên lấp lánh niềm hạnh phúc. Có lẽ, đối với cả chị Phượng, bạn bè và thầy cô của Khôi Nguyên thì đó là một điều kỳ diệu.

Chị Phượng kể, Khôi Nguyên là con đầu cháu sớm của gia đình, là cháu đích tôn của ông bà nên cả hai bên nội ngoại vô cùng hạnh phúc. Anh Hiệp đặt tên con là Khôi Nguyên vì cậu bé sinh ra đã khôi ngô. Anh muốn con lớn lên cũng được tinh khôi, trong trẻo ở đời như chính niềm ước vọng.

Thế nhưng, từ khi sinh ra Khôi Nguyên là một đứa trẻ khó nuôi, Nguyên rất khó ngủ khiến gia đình phải lục đục cả đêm. Thời gian ấy vợ chồng chị Phượng phải chia ca ra để “canh gác” vì cậu bé rất thính ngủ, động nhẹ là thức giấc.

Đến khi Khôi Nguyên 6 tháng tuổi thì cậu bé bắt đầu có biểu hiện lạ, vợ chồng chị Phượng đưa con đến bệnh viện Nhi Hà Nội khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận Khôi Nguyên có biểu hiện của hội chứng tự kỷ.

Chị Phượng nhớ lại: “Bác sĩ nói bệnh này y học thế giới hiện nay bó tay. Tôi như bị sét đánh ngang tai, cảm giác như mình mất hết mọi thứ, sợ hãi, đau lòng, mọi thứ trở nên vô nghĩa. Lúc đó tôi có thể đánh đổi mọi thứ để con được khỏe mạnh tôi cũng chấp nhận. Mỗi khi nghĩ đến hội chứng tự kỷ của con đã có lúc tôi thấy vô vọng, mệt mỏi và nghĩ đến những điều tiêu cực nhất cho hai mẹ con”.

Gia đình - “Phép màu” của mẹ giúp cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc

Từ một cậu bé tự kỷ Khôi Nguyên đã gần với mẹ hơn, biết nói "con yêu mẹ".

Không chỉ chị Phượng mà anh Nguyễn Thế Hiệp (SN 1961, bố Khôi Nguyên) cũng thẫn thờ đau đớn trước bệnh tình của con. Càng lớn lên, bệnh tình của Nguyên càng nặng hơn. Những cái giật mình co cả người lại, những sự phá phách nghịch ngợm không có điểm dừng.

Anh Hiệp kể: “Nguyên không có cảm giác đau nên dù ngón tay bị kẹp ở cánh cửa đến chảy máu mà vẫn không kêu khóc. Nguyên còn có tật cắn móng tay, cắn đến chảy máu cả 10 đầu ngón tay mà vẫn tiếp tục... cắn.

Con thích chó và cá nên mỗi lần thấy chó hay cá đều vồ lấy. Nhiều lần dẫn con đi chơi, dù trông con cẩn thận nhưng tôi nhiều phen “hú vía” vì hễ cứ thấy nhà nào nuôi chó dù đang xích là con sà vào ngay để thả chó ra nghịch với mình. Có đôi lần chủ nhà chạy theo hét lên “trộm! trộm!”. Lúc đó, tôi xin lỗi, giải thích thì có người hiểu, có người không, nhưng cũng đành phải chấp nhận vì chẳng lẽ cứ nhốt con ở nhà mãi.

 Mắt Nguyên rất tinh nên có lần chập choạng tối, thấy một con ve đang đậu trên cây, ngay lập tức cháu nhảy phắt khỏi xe bố và vồ lấy con ve mà không quan tâm gì đến xung quanh. May mà phía sau không có xe nào đi tới, chứ không thì không biết có chuyện gì sẽ xảy ra”.

“Mở mắt ra là chúng tôi phải “chơi trò” chạy đuổi, tóm, bắt, canh gác... với một đứa trẻ tăng động. Con không thể ngồi yên, không biết mệt mỏi, luôn nghịch ngợm dại dột, vô thức... hết ngày này đến ngày khác, cả nhà thay nhau như thế.

Nhưng chúng tôi không chấp nhận được ý nghĩ nhốt con ở nhà, phải để con dần hòa nhập với thế giới. Vì vậy, hành trình tìm thầy, tìm thuốc và “cuộc chiến đấu” của gia đình bắt đầu”, anh Hiệp cho biết.

Cha mẹ thương con biển hồ lai láng…

Nhiều người đã từng hỏi anh Hiệp và chị Phượng tìm phương pháp gì để giúp con trai mình vượt qua hội chứng tự kỷ thì chị Phượng bảo: “Nói chúng tôi tìm ra phương pháp thì không chính xác lắm. Chỉ là hiểu biết qua học hành, hỗ trợ, đồng hành cùng con. Tôi phải bỏ việc ở nhà để chạy chữa cho con.

Khi con còn nhỏ, hội chứng tự kỷ chưa có nhiều thông tin ở Việt Nam. Tôi nhớ, cách đây khoảng hơn 10 năm, có cuộc hội thảo toàn quốc lần thứ nhất về tự kỷ. Lúc đó cứ thấy cái gì về tự kỷ là tìm đến, mong học hỏi được gì đó để về dạy con”.

Tốt nghiệp ngành tâm lý nhưng khi đối mặt với tình trạng của con trai, chị đã xin nghỉ việc và đăng ký học khoa Giáo dục đặc biệt của trường đại học Sư phạm. Và thật may mắn, trong khóa học của chị hầu hết là các giáo sư Nhật Bản nên con trai chị cũng được tiếp xúc với các giáo sư Nhật Bản.

Tại lớp học đó, tất cả những vướng mắc gì trong quá trình nuôi dạy con đều được chị đưa ra hỏi và về thực hành trên con.  Sau gần 4 năm chị theo học, cũng là thời gian con trai của chị Phượng cũng có nhiều tiến bộ hơn.

Sau khi kết thúc khóa học, chị xin vào dạy ở lớp chuyên biệt mà con trai mình đang học. Ở đó, hàng ngày chị được gặp các phụ huynh cùng cảnh ngộ với mình, được chia sẻ và nhận được sự yêu quý của các con.

“Thấy chưa đủ để giúp được cho chính con mình và học sinh khi các con cứ ngày một lớn, tôi lại quyết định đi học thêm lần nữa, lần này là học cao học giáo dục đặc biệt và khi đó trong lớp tôi là học viên lớn tuổi nhất”, chị Phượng kể.

Gia đình - “Phép màu” của mẹ giúp cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc (Hình 2).

Từ cậu bé tự kỷ Khôi Nguyên đã tự tin thể hiện trước đám đông và trình diễn tiết mục của mình.

Sau 2 năm đèn sách chị Phượng đã có bằng thạc sĩ giáo dục đặc biệt và chị đã được gần con hơn. Chị Phượng nói với chúng tôi rằng, khi được gần con, cảm giác được ôm con vào lòng thật là hạnh phúc. Bởi, từ nhỏ đến lớn Khôi Nguyên không thích được vỗ về, ôm ấp như những đứa trẻ khác. Đến giờ chị đã làm được điều đó với con mình.

Khi chúng tôi hỏi vì sao anh chị phát hiện ra khả năng đặc biệt của Khôi Nguyên, chị đã cười và tin rằng đó là một phép màu.

 “Phát hiện Khôi Nguyên có năng khiếu giữ thăng bằng và tung bóng là công lao của tiến sĩ Phan Quốc Việt, ông đã gọi khả năng của Khôi Nguyên là Thông minh vận động.

Trước đó tôi vẫn nghĩ mọi người sinh ra đều có một lý do, không lẽ con tôi là một “sản phẩm bỏ đi” dù tôi cố hết sức cho con thử: Học vẽ, học nhạc, học võ, học bơi..., nhưng chưa tìm ra khả năng của cháu. Rồi đến một ngày gặp TS. Phan Quốc Việt thì khả năng, năng khiếu của con tôi được bộc lộ”, chị Phượng nhớ lại.

Với gia đình chị Phượng và Khôi Nguyên thì đó là một chữ duyên. Năm 12 tuổi, gia đình quyết định đưa Nguyên đến trung tâm Tâm Việt để tham gia kỳ học quân đội và cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật xiếc cũng bắt đầu từ đây.

Được “chạm” vào đúng sở trường của mình, các kỹ năng của Khôi Nguyên dần được hoàn thiện. Cả chị Phượng và gia đình đều vui mừng, ngỡ như Khôi Nguyên đã tìm được ánh sáng của cuộc đời. Nhưng họ chưa hề nghĩ rằng Khôi Nguyên sẽ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam.

“Thú thực rằng sau thời gian đằng đẵng mệt mỏi, hai chữ bình yên với chúng tôi là quá xa xỉ. Nhưng những điều mà Khôi Nguyên đạt được đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.

Từ những ngày Khôi Nguyên không chịu hợp tác, ngồi một góc, cắn móng tay, thầy gọi thế nào cũng nhất định không chịu ra tập. Cho đến khi thầy ném các quả bóng trêu trêu vào chỗ Khôi Nguyên ngồi, rồi biểu diễn cho cháu xem thử. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, Nguyên bắt đầu có cảm giác với trái bóng, lúc đầu là nghịch, ném... làm đủ các trò với quả bóng và sau đó em đã hứng thú với việc học tung bóng.

Giờ đây, Khôi Nguyên đã đứng thăng bằng trên 5 con lăn, đầu đội chai và tung 8 bóng trong thời gian lâu nhất”, chị Phượng chia sẻ.

Gia đình - “Phép màu” của mẹ giúp cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc (Hình 3).

Gia đình khôi Nguyên trong ngày nhận giải Kỷ lục gia xiếc Việt Nam.

Nhắc đến nghệ sĩ xiếc, người ta thường nghĩ đến những con người nhanh nhẹn, hoạt bát, thế nhưng khi một đứa trẻ tự kỷ đã tự tin đứng trên sân khấu, khéo léo biểu diễn trước hàng trăm khán giả trở thành điều “xưa nay hiếm”.

Gần 4 năm biết đến bộ môn tung hứng, mỗi ngày, từ 7h sáng đến 8h tối, Nguyên cùng các bạn tham gia luyện tập tung hứng bóng, đứng trên con lăn... cũng như học kỹ năng để đến hôm nay em đã gặt được trái ngọt, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình.

Vào tháng 5/2017, Khôi Nguyên đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Hành trình ý chí kỷ lục Việt Nam với nội dung: Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất.

Chị Phượng bảo, sau khi đạt kỷ lục gia xiếc Việt Nam. Khôi Nguyên luôn sung sướng khoe con đã dạy cho em này, dạy em khác đứng trên con lăn, tung bóng. Và rất hào hứng hứa: Con sẽ là người tung bóng giỏi nhất thế giới. 

Có lẽ, sau 16 năm dài, giờ đây chị Phượng có thể tự hào về con mình. Bởi con chị từ một đứa trẻ không bình thường nhưng bắt đầu có một cuộc sống ý nghĩa với mọi người và với chính con. Chị tự hào  vì con đã biết nói “con yêu bố mẹ”. Chị hạnh phúc mỗi khi đọc được tin nhắn của Khôi Nguyên: “Con nhớ mẹ”...

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.