Phép màu đã không đến với bé gái rơi từ cửa sổ căn hộ tầng 24 của chung cư ở Hà Nội hôm 19/4. Không có người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh thứ 2 xuất hiện vào thời điểm đó để cứu vớt thiên thần mới vừa 4 tuổi.
Sự may mắn có bàn tay đón đỡ thành công cú rơi từ tầng cao của bé gái ở Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội hồi tháng 2 thực sự là điều quá ư hy hữu. Bởi lẽ khi đã rơi từ tầng nhà chung cư, việc chấm dứt sự sống trong bàng hoàng, đau đớn là điều mặc nhiên. Muốn hay không, sự việc không thể khác.
Thương em bé và thương cả gia đình người yểu mệnh. Đau nào bằng nỗi đau cha mẹ mất con. Buồn nào bằng nỗi buồn của người dứt ruột đẻ con ra mà lại phải chứng kiến “giọt máu” của mình ra đi trong đớn đau, tức tưởi. Và nỗi ân hận đến tột cùng vì mất con do sự bất cẩn trong phút chốc của chính mình chỉ những cha mẹ đã trải qua mới thấu ám ảnh đến nhường nào.
Thương, rất thương nhưng trách, cũng vô cùng đáng trách.
Một trong những nguyên tắc phải được quan tâm hàng đầu ở một ngôi nhà có trẻ nhỏ luôn là sự an toàn. Chỉ chậu nước nhỏ còn có thể khiến một em bé chết ngạt trong phút chốc nghịch dại. Huống chi đây là cả một ban công không rào chắn, mở ra khoảng rộng mênh mang đầy thú vị với những hiếu kỳ của trẻ nhỏ mà chỉ trượt chân thôi là... chìm vào hư vô tức thì. Nghĩ đã thấy rùng mình.
Một tấm lưới an toàn ở ban công, chỉ mất 1, 2 tiếng lắp đặt với chi phí bằng vài bữa ăn tiệm song có thể cứu cả mạng người, cứu rỗi những cuộc đời. Vậy mà sao người lớn có thể ơ hờ bỏ qua? Sao người ta có thể mải mê sắm sang đủ thứ trong nhà phục vụ cho nhu cầu phù phiếm trước mắt mà sẵn sàng quên đi rằng an toàn mới là điều cốt lõi mang đến sự an bình cho mỗi tổ ấm? Có mấy ai học các kỹ năng sống an toàn trước khi chuyển đến các căn nhà chung cư cao tầng hay dày công tìm hiểu về những “tử huyệt” đầy hiểm nguy trong mô hình nhà này?
Thực lạ kỳ nữa, có biêt bao các bài học xót xa nhãn tiền về việc trẻ rơi từ ban công không có rào chắn ở chung cư cao tầng mà sao vẫn để đau thương lặp lại? Sao câu chuyện “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” cứ mãi xảy ra?
Đứng trước nỗi đau của gia đình mất con, điều duy nhất còn lại mà dư luận, người thân quen muốn làm là sự cảm thương, là chia sẻ với mất mát không gì lấy lại được của gia chủ. Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận rằng sinh mạng của một đứa trẻ hoàn toàn nằm trong tay cha mẹ, người lớn. Và việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong ngôi nhà không nên chỉ được xem là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc phải làm và gắn với trách nhiệm của cha mẹ và những người lớn trong gia đình.
Không phải ngẫu nhiên, luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy tội hình sự cho những cha mẹ bất cẩn trong quá trình chăm con khiến trẻ tử nạn. Một ông bố người Pháp đã phải lãnh án khi để con trai 4 tuổi ở trong căn hộ một mình và khiến cậu bé trèo ra ban công tầng 6 và bị rơi xuống. Dù cậu bé may mắn được cứu sống do có người xuất hiện đỡ bé kịp thời nhưng người cha vẫn phải nhận bản án trước pháp luật vì tội thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho con.
Hồi tháng 7/2019, một ông bố là nhân viên của bệnh viện ở Bronx, Mỹ cũng phải chịu tội ngộ sát và chịu mức án hình sự theo luật Mỹ vì lỡ để quên 2 con sinh đôi 8 tiếng ở trong xe hơi dưới nền nhiệt độ cao. Hai đứa trẻ chết ngạt trong khi bố phải mang tiền án – bản án gây chấn động dư luận Mỹ thời điểm đó này thực ra không phải là sự khắc nghiệt cho sự đãng trí khi chăm con của cha mẹ. Ngay chính tháng 3 năm đó, người mẹ trẻ 29 tuổi đã chịu mức án tới cả chục năm tù vì bỏ quên con gái 3 tuổi Cheyenne Hyer trong xe khiến trẻ tử vong.
Có ai yêu con như cha mẹ đẻ. Và hẳn nhiên, không ai muốn điều không hay xảy đến với con mình. Tuy nhiên, không phải bao giờ cha mẹ cũng có thể ở bên con giám sát từng giây từng phút mà với trẻ nhỏ, chỉ sơ sẩy 1 chút trong quá trình chăm sóc là có thể khiến trẻ tử vong. Bởi vậy nên việc xây dựng môi trường an toàn, đặc biệt ngay chính trong ngôi nhà của mình là điều bắt buộc, là sự tiên quyết sống còn.
Để cho những đứa trẻ ra đi tức tưởi trong chính ngôi nhà mình, trách nhiệm đôi khi cũng nằm chính ở lực lượng chức năng giám sát an toàn của các chung cư. Trong khi bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu an toàn. Vậy mà nhiều công trình chung cư khi chưa đạt đủ tiêu chuẩn an toàn này vẫn được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Bất cẩn một ly có thể… làm mất đi cuộc đời một con người. Xót xa hơn nữa khi đó lại là các thiên thần bé nhỏ.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được bảo vệ, được sống trong môi trường an toàn. Và vì bất kể lý do nào đó, trẻ thiệt mạng vì sự bất cẩn của người lớn, trách nhiệm này của gia đình hay xã hội là không thể chối cãi và không nên né tránh trước pháp luật.
Vũ Thu Hương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.