Khi ông Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), 72 tuổi, từ chức Thủ tướng Singapore sau 20 năm nắm quyền, điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên của “đảo quốc sư tử”. Thay thế ông là Phó Thủ tướng Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài), 52 tuổi.
Ông Wong tuyên thệ nhậm chức, trở thành nhà lãnh đạo thứ 4 của Singapore kể từ năm 1965 trong một buổi lễ trang trọng vào ngày 15/5. Giống như những người tiền nhiệm, ông là thành viên của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.
Nhưng tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với những kỳ vọng nặng nề trong việc phát huy di sản của những người tiền nhiệm, những người đã biến Singapore thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Á.
Ngoài ra, ông Wong cũng phải đối mặt với những kỳ vọng ở một mặt trận khác: Vạch ra lối đi trong các lĩnh vực từ kinh tế, an sinh xã hội đến ngoại giao và để lại dấu ấn khác biệt so với 3 vị Thủ tướng trước đó.
Tính liên tục và ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp
Ông Wong đã nói rằng mọi nhà lãnh đạo đều phải điều chỉnh phong cách của mình cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của xã hội ở thời đại mà họ sống. Điều này sẽ được thể nghiệm trong tương lai khi bản thân ông khoác lên mình trách nhiệm lèo lái “đảo quốc sư tử”.
Không giống như ông Lee Hsien Loong – con trai trưởng của nhà sáng lập Singapore hiện đại Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu), ông Wong không xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm chính trị.
Bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà quản lý tài chính vào năm 1997, ông chỉ tham gia chính trường vào năm 2011, khi ông được bầu vào Quốc hội Singapore lần đầu tiên.
Ông đã ghi dấu ấn của mình trong đại dịch Covid-19 khi đóng vai trò Đồng Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm đa bộ của Chính phủ Singapore ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, nổi bật với những hành động hiệu quả.
Vào tháng 4/2022, ông Wong được các Bộ trưởng ngang hàng tán thành trở thành lãnh đạo thế hệ tiếp theo của đảo quốc. Và 2 tháng sau đó, ông được thăng chức thành Phó Thủ tướng Singapore.
Điều này có nghĩa là ông Wong chỉ có 2 năm kinh nghiệm làm cấp phó trước khi trở thành Thủ tướng Singapore. Thủ tướng thứ hai của đất nước, ông Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống), 82 tuổi, giữ chức “phó tướng” dưới thời cố lãnh đạo Lee Kuan Yew trong 5 năm, trong khi ông Lee Hsien Loong làm cấp phó của ông Goh trong 14 năm.
“Không có thế hệ đi trước dìu dắt, nắm tay, sẽ có những ẩn số” trong quá trình chuyển giao lãnh đạo, ông Michael Barr, Phó Giáo sư tại Đại học Flinders của Australia, nói với Nikkei Asia.
Hiểu điều này, ông Wong đã nhấn mạnh vào vai trò của sự lãnh đạo tập thể với phong cách tư vấn nhiều hơn. “Tôi không bắt đầu với giả định rằng tôi biết mọi thứ hoặc có câu trả lời cho mọi vấn đề, bởi vì tôi chắc chắn là không thể làm được điều đó”, ông nói tại một sự kiện của đảng cầm quyền vào tháng 11 năm ngoái.
“Thay vào đó, tôi muốn bắt đầu bằng việc lắng nghe, tiếp xúc nhiều quan điểm và cách nhìn đa dạng, và luôn cởi mở với những ý tưởng khác nhau”, ông Wong nói thêm.
Nội các của tân Thủ tướng Wong, được công bố hôm 13/5, cho thấy hầu hết các Bộ trưởng đang được giữ lại, nhấn mạnh tính liên tục và ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Lee Hsien Loong sẽ trở thành Bộ trưởng cấp cao – giống như ông Lee Kuan Yew và ông Goh Chok Tong đã làm sau khi từ chức – để hỗ trợ nhà lãnh đạo trẻ mới. Thủ tướng sắp mãn nhiệm cũng sẽ vẫn là người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Kinh doanh.
Qua 3 đời Thủ tướng trước đây, Singapore đã trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài lớn và xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Hòa mình vào mạng lưới thương mại đa phương đã là chiến lược cho đảo quốc này.
Cho đến nay, ông Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ đi theo con đường do những người tiền nhiệm đặt ra và giữ cho đất nước cởi mở nhất có thể.
“Các nền kinh tế nhỏ và mở như Singapore dựa vào dòng chảy thương mại và đầu tư tự do cũng như một bộ quy tắc chung là huyết mạch của chúng tôi”, ông Wong nói trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với Nikkei Asia vào năm ngoái.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Singapore trưởng thành, nền kinh tế này không còn có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng theo cấp số nhân như trước đây. Ông Wong đối mặt với áp lực phải cập nhật mô hình Singapore.
“Chúng tôi biết rằng Singapore không phải là địa điểm rẻ nhất. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để gia tăng và chứng minh giá trị của Singapore”, ông Wong, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Singapore, cho biết sau khi trình bày kế hoạch ngân sách hồi tháng 2.
Đối nội, đối ngoại
Về đối nội, Thủ tướng tiếp theo của Singapore đang giải quyết các vấn đề bất bình đẳng và dịch chuyển xã hội bằng cách tăng cường mạng lưới an toàn xã hội trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, những thách thức về nhân khẩu học…
Trong khi đất nước từ lâu đã chấp nhận khái niệm “tự cung tự cấp”, ông Wong cho biết khái niệm về chế độ nhân tài của Singapore vẫn “quá hẹp” trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
“Nhiều người Singapore cảm thấy bị cuốn vào một cuộc chạy đua từ khi còn trẻ – chịu áp lực phải đạt điểm cao nhất, vào những trường mà họ cho là tốt nhất để có thể vào được những trường đại học tốt nhất”, ông Wong nói với các nhà lập pháp hồi tháng 4 năm ngoái.
Ông Manu Bhaskaran, chuyên gia kinh tế và giám đốc điều hành của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors, lưu ý rằng ông Wong đã chú trọng hơn vào việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, hứa hẹn một “sự thay đổi lớn” trong cách hỗ trợ những người lao động thất nghiệp không tự nguyện.
Singapore trước đây đã phản đối việc áp dụng các công cụ phúc lợi xã hội tương tự, thay vào đó chọn các biện pháp khuyến khích việc làm và hỗ trợ tiền lương để thúc đẩy khả năng tự cung cấp việc làm của đất nước. Có lập luận cho rằng trợ cấp thất nghiệp làm giảm động cơ khuyến khích người thất nghiệp tìm việc làm mới và dẫn đến việc họ cố tình mất nhiều thời gian hơn để làm việc đó.
Nhưng năm ngoái, ông Wong đã “xem xét và cập nhật” cách tiếp cận của mình, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn và trước những phát triển mang tính đột phá như việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là một trong những điểm chính trong nỗ lực tham vấn cộng đồng mà ông Wong dẫn đầu sau khi ông được tán thành trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo vào năm 2022.
Về đối ngoại, chuyên gia kinh tế Bhaskaran cho biết Chính phủ mới của Singapore sẽ mở rộng hợp tác kinh tế với các nước láng giềng gần gũi nhất, trước hết là Malaysia. Điều này có thể được thấy qua động thái gần đây của hai nước liên quan tới việc thành lập Đặc khu kinh tế Johor-Singapore – một tầm nhìn được bang Johor ở miền Nam Malaysia thúc đẩy như một “Thâm Quyến của Đông Nam Á” trong tương lai.
Indonesia, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á và một thành viên của G20, cũng là một nước láng giềng quan trọng của Singapore. Ông Lawrence Wong và ông Lee Hsien Loong đã đến thăm Indonesia vào cuối tháng trước, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi thông báo chuyển giao lãnh đạo ở Singapore được công bố.
Trong chuyến thăm, ông Wong đã gặp Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto, nhằm tăng cường quan hệ với nước láng giềng thân thiết.
Về môi trường chính trị và xã hội của Singapore, tân Thủ tướng Wong sẽ sớm có cơ hội để xác định phong cách lãnh đạo của mình và ghi dấu ấn với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore, diễn ra vào tháng 11/2025.
Ông Eugene Tan, Phó Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, lưu ý rằng các cử tri trẻ tuổi sẽ tiếp tục tìm kiếm bối cảnh chính trị “đa dạng và cạnh tranh hơn” dưới sự lãnh đạo mới. “Yếu tố quan trọng là ông Lawrence Wong có thể quản lý tốc độ thay đổi chính trị này tốt đến mức nào”, vị chuyên gia nói với Nikkei Asia.
Minh Đức (Theo Nikkei Asia, Agenzia Nova)