Thượng tá phi công hy sinh ở Nghệ An: Khi chào đời không được nhìn mặt cha

Thượng tá phi công hy sinh ở Nghệ An: Khi chào đời không được nhìn mặt cha

Trịnh Công Đức

Trịnh Công Đức

Thứ 6, 27/07/2018 11:32

Ngày Thượng tá Nam chào đời không được gặp mặt cha, đến khi lên 6 tuổi thì ông Mỹ mới ở chiến trường miền Nam về. Lúc này, gia đình mới được đoàn tụ.

Khoảng 19h20 ngày 26/7, gia đình ông Phạm Văn Mỹ (69 tuổi, trú tại tổ 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là bố mẹ của Thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921  (SN 1972, quê Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nhận được tin từ các đồng chí Trung đoàn Không quân 921 báo rằng Thượng tá Nam đã hy sinh.

Tin "sét đánh" đến với gia đình, bà Bích (mẹ nạn nhân) khóc ngất lên, ngất xuống. Có những lúc bà Bích quá hoảng loạn còn nói mê sảng rằng: “Sao hôm nay nhà mình lại đông người thế, có chuyện gì xảy ra à” rồi lại vật vã gào khóc gọi tên con trai.

Chính trị - Thượng tá phi công hy sinh ở Nghệ An: Khi chào đời không được nhìn mặt cha

Hàng xóm tới động viên, chia buồn cùng vợ chồng ông Mỹ.

Tối muộn cùng ngày, các đồng đội của đơn vị Trung đoàn 921 đã thống nhất với gia đình về việc chuẩn bị hậu sự cho anh Nam. Khi đơn vị rời đi, ông Mỹ đã gọi tất cả mọi người trong gia đình lại để phân công công việc và cùng các cấp chính quyền địa phương chuẩn bị cho lễ mai táng của con trai mình.

Nhìn vào ánh mắt của ông Mỹ, sự đau đớn như “đứt từng khúc ruột” khi mất con thể hiện rõ rệt cho dù ông có cố tỏ ra cứng rắn làm chỗ dựa cho gia đình.

Khi trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, ông Mỹ cho biết: “Nó (anh Nam) mới điện về nhà khoe cuối tháng 10 này sẽ được lên quân hàm Đại tá, rồi nó nói sau chuyến bay lần này xong sẽ được nghỉ phép về cùng gia đình”.

Cũng theo ông Mỹ chia sẻ: “Ngày thằng Nam chào đời, tôi đang ở chiến trường miền Nam. Ngày đó, đang vào thời kỳ sơ tán dân, con tôi sinh ra tại xã Thụy Bình khi vợ tôi đang nương tựa tại chùa ở đó.

Khi nó mới lên 2 tuổi, gia đình tôi nhận được tin báo tử rằng tôi đã hy sinh tại chiến trường. Gia đình đã giấu không cho mẹ tôi biết vì sợ bà sẽ sốc khi nghe được tin dữ. Đến khi thằng Nam được 6 tuổi thì cũng là lúc tôi trở về địa phương trong sự ngỡ ngàng của mọi người và niềm vui của vợ con”.

Chính trị - Thượng tá phi công hy sinh ở Nghệ An: Khi chào đời không được nhìn mặt cha (Hình 2).

Vợ chồng ông Mỹ đau xót khi nghe tin dữ ập tới với gia đình.

“Khi nhìn thấy con, tôi vô cùng sung sướng. Nó hồi đấy khỏe mạnh và bụ bẫm lắm, giống y như thằng con trai nó bây giờ vậy. Hồi nó đẻ ra được 4,1kg, đến 6 tuổi thì chẳng khác gì so với những đứa trẻ 11, 12 tuổi.

Nó có những điều đặc biệt khác hẳn với những đứa trẻ khác. Thời đó còn khó khăn, vất vả mà thằng bé đã biết đi lặn để bắt cá. Hơn nữa, nó còn lặn được ở dưới nước từ 1 đến 2 phút”, ông Mỹ nhớ lại.

Khi chúng tôi hỏi về việc cơ duyên nào đưa anh Nam đến với nghề phi công thì ông Mỹ kể, năm anh đang học lớp 10 (16 tuổi) có một đơn vị không quân về trường tuyển quân đi học đào tạo lái máy bay với điều kiện cao từ 1m65 và nặng 58kg trở lên. Thời điểm đó, anh Nam đã trúng tuyển.

Sau nhiều lần khám tuyển và kiểm tra sức khỏe cũng như tố chất, học lực thì anh Nam đã được học vào lớp đào tạo phi công lái máy bay ở trường Thiếu sinh quân. Tiếp đó, anh học ở Hà Nội 2 năm rồi học tiếp 5 năm ở Nha Trang (Khánh Hòa) và được các thầy giáo từ nước Nga tới đào tạo, giảng dạy.

“Sau khi đã học một thời gian, thằng Nam được phong quân hàm Trung úy. Lúc đó, nó chưa có gia đình, đến khi nó lên quân hàm Thiếu tá mới lập gia đình. Nó lấy vợ ở TP.Thái Bình và sinh được 2 người con, vợ nó là phát thanh viên Đài PTTH Thái Bình. Mỗi lần nó về đều dẫn cả gia đình xuống nhà tôi chơi. Nó hiền lành và ngoan ngoãn lắm, lần nào nó gọi về cũng hỏi bố mẹ có cần gì không để con mua”, ông Mỹ nghẹn ngào nhớ lại.

Chính trị - Thượng tá phi công hy sinh ở Nghệ An: Khi chào đời không được nhìn mặt cha (Hình 3).

Ông Mỹ vẫn còn giữ lại kỷ vật ngày anh Nam vào học tại trường Thiếu sinh quân.

Theo lời ông Mỹ, con trai ông đã từng có những lần cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Cam Ranh, sân bay Sao Vàng và sân bay Gia Lâm… Trong những lần nghỉ phép về thăm gia đình, anh Nam kể rằng lái máy bay ở Phù Cát là vất vả, khó khăn nhất vì phải chịu đựng cái nắng chói chang của thời tiết ở đây.

Mỗi lần anh Nam về, vợ chồng ông Mỹ đều nhắc nhở con nhưng lần nào anh cũng động viên để bố mẹ được an tâm. “Cứ lần nào vợ chồng tôi lo lắng nhắc tới những sự nguy hiểm trong công việc thì nó đều nhẹ nhàng, xua tan sự căng thẳng để trấn an", ông Mỹ cho hay.

Công Đức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.