Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT

Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 29/05/2018 12:59

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn gửi bộ Giao thông Vận tải, chuyển phản ánh, kiến nghị của một nhóm phi công người Việt đang công tác tại Đoàn bay 919 cổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines; viết tắt: VNA), để Bộ này xem xét, giải quyết.

Trước đó, một đại diện của nhóm phi công này đã có Đơn cầu cứu gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của bộ Giao thông Vận tải.

Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT

Ảnh minh họa. (Nguồn: báo Giao thông)

Thực tế, trong ít năm qua, những vấn đề giữa nhóm phi công trong nước và tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) đã từng “nổi sóng” một số lần, làm nóng dư luận.

Tuy nhiên, động thái gửi Đơn cầu cứu lên Chính phủ vừa nêu là diễn biến mới nhất.

Phi công Việt Nam “cầu cứu” điều gì?

Trong đơn, đại diện nhóm phi công phản ánh rằng, năm 2015, bộ Giao thông Vận tải ra Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” - trong đó có phi công - muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định”. Và sau đó là Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT đã đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.

Phi công này viết trong đơn: “Qua đối chiếu với các văn bản của Hiến Pháp điều 35 và luật Lao Động, chúng tôi nhận thấy 2 Thông tư trên đã không tuân thủ:

- “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ Luật này.” – Điều 37 Khoản 3 BLLĐ.

- “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.” – Điều 62 Khoản 3 BLLĐ.

- “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

2. Người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng hương, chế độ nghỉ ngơi.

3. Nghiêm cấm phân biệt, đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.” – Điều 35 Hiến Pháp.

Dựa vào 2 Thông tư kể trên, VNA yêu cầu chúng tôi khi muốn chấm dứt hợp đồng phải báo trước ít nhất 120 ngày khi mà Điều 37 Khoản 3 BLLĐ chỉ yêu cầu báo trước ít nhất 45 ngày.

Dựa vào 2 Thông tư kể trên, VNA đã đưa ra những khoản chi phí bồi hoàn vô lý và quá lớn so với những người lao động như chúng tôi (từ 2.000.000.000 VND đến 3.500.000.000 VND) nhưng hoàn toàn không có những hóa đơn hợp lệ chứng minh theo Điều 62 Khoản 3 BLLĐ ở trên.

Dựa vào 2 Thông tư kể trên, cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cũng như không chấp nhận chúng tôi chuyển nhà khai thác khiến cho nhiều phi công chúng tôi bắt buộc phải làm việc cho VNA với lương và chế đội đãi ngộ thấp hơn nhiều mặt bằng chung, hoặc phải bồi hoàn cho VNA số tiền phi lý để được làm việc tại nhà khai thác, hoặc chịu thất nghiệp, vi phạm nghiêm trọng BLLĐ và Điều 35 Hiến Pháp.”

“Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn nêu trên đến bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết theo quy định”, thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Vụ trưởng vụ 1 Trần Bích Ngọc nêu trong văn bản số 4640/VPCP-V.I gửi bộ Giao thông Vận tải.

“Cái gì mà trái quy định thì chắc chắn là sẽ phải sửa”

Ngày 28/5, xác nhận với VietTimes, một lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải cho biết đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ. “Bộ cũng đã chuyển ý kiến đấy cho Vietnam Airlines nghiên cứu”, nguồn tin cho hay.

Theo vị này, cơ chế, chính sách đãi ngộ cơ bản thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp nên bộ Giao thông cũng không can thiệp sâu. “Vấn đề nguồn nhân lực thì các công ty họ quyết định, theo đúng các quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp”.

Trước phản ánh của đại diện nhóm phi công Vietnam Airlines trong Đơn gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, rằng một số quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30 tháng 06 năm 2017 là vi hiến và trái với bộ Luật Lao động, một nguồn tin tại bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này đang rà lại nội dung các thông tư nêu trên. “Cái gì mà trái quy định thì chắc chắn là sẽ phải sửa”, vị này nói.

Theo một lãnh đạo, người lao động và doanh nghiệp đương nhiên phải ngồi lại, gặp gỡ nhau để trao đổi. “Theo một trình tự, công đoàn cũng nên đại diện cho người lao động để gặp gỡ ban Quản trị, ban Điều hành doanh nghiệp để thống nhất, xem điều gì phù hợp và điều gì chưa phù hợp. Còn giải quyết như thế nào thì tùy điều kiện danh nghiệp để người ta đàm phán”.

Trao đổi với VietTimes, phi công đứng tên đại diện gửi đơn lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, hiện Vietnam Airlines đã có thông báo về kế hoạch làm việc giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc với phi công Việt Nam. Theo kế hoạch, buổi làm việc dự kiến diễn ra vào sáng Thứ Tư, ngày 30/5/2018.

Quan điểm Luật sư

Liên quan tới các phản ánh của các phi công Việt Nam, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico, Trọng tài viên trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ - đánh giá, Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT của bộ Giao thông Vận tải là “không hợp lệ và trái luật”.

Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT (Hình 2).

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico. (Ảnh: Internet)

“Kể cả có là ngành đặc thù thì cũng phải giữ người bằng cách khác. Phải chấp nhận luật chơi chung của thị trường, không thể ra văn bản để co kéo cho doanh nghiệp nhà”, luật sư Đức nói. Theo đó, các phi công chuyển đi đâu thì thực ra vẫn là người dân, vẫn phải được pháp luật bảo vệ. Họ cũng phải tôn trọng pháp luật và đóng thuế theo quy định. Và thực chất họ có chuyển nhà khai thác thì cũng chỉ mong muốn chuyển trong nội địa, điều này đối với xã hội, có mất đi đâu đâu.

“Luật chơi phải được thiết kế để mở ra cơ hội cho thị trường phát triển bình đẳng, để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Làm sao thu nhập của phi công nước ngoài thuê về và thu nhập của phi công trong nước lại có thể chênh lệch quá đáng, trong khi người lao động trình độ tương đương. Chả có cái lý gì cả!”, vị luật sư kỳ cựu bình luận.

Trước thắc mắc của phóng viên rằng Vietnam Airlines là bên đã bỏ ra chi phí để đào tạo các phi công vậy các phi công có nghĩa vụ bắt buộc phải cống hiến cho VNA và không được chuyển sang các hãng đối thủ hay không, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đó là hai việc khác nhau.

“Nếu cho rằng nợ nần thì nên kiện nhau ra tòa. Không thể nói người ta chưa bồi hoàn chi phí – mà mức đó chưa chắc đã hợp lý – rồi cấm phi công không được làm việc. Phải để cho họ làm việc thì họ mới sống, nuôi gia đình và trả nợ chứ”, LS. Đức cho rằng, bộ Giao thông Vận tải cần phải sửa đổi Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT.

Đặc biệt, Chủ tịch công ty Luật Basico nhắc rằng, cần phải lưu ý đối với các bức xúc tâm lý của phi công: “Người ta luôn bị ức chế tâm tư tình cảm như thế, canh cánh nỗi lo, không muốn làm mà cứ bắt người ta phải làm. Biết đâu kìm nén quá, nó lại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, ảnh hưởng tới công việc. Điều này không nói trước được và tiềm ẩn những nguy cơ”.

Thực tế, trong Đơn gửi lên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đại diện nhóm phi công cho hay, từ năm 2015, họ đã đối thoại với VNA nhiều lần nhưng vấn đề không được giải quyết thỏa đáng.

“Với một môi trường làm việc không đảm bảo… và gây những bức xúc trong công công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần phi công chúng tôi, đến những chuyến bay, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp liên quan”, nhóm này nêu trong đơn.

Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT được Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký ban hành ngày 12/08/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015. Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số Điều trong phần 12 và phần 14 của bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải.

Còn Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT được Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa ký ngày 30/06/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2017. Thông tư này sử đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay và Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31/3/2016 của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT.

Theo Viettimes

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.