Năm 13 tuổi đã bước chân theo đuổi con đường nghệ thuật, với đạo diễn trẻ Phi Long, vinh quang có đủ và thị phi cũng có thừa. Đã có lúc anh tưởng như mình đã bị gục ngã trước những lời đàm tiếu và bên lề nghệ thuật nhưng bằng sự đam mê sâu sắc với nghề, Phi Long đã chứng tỏ mình là một nghệ sĩ có tài năng. Cống hiến hết mình cho nghệ thuật, dường như đối với anh, một ngày không được tính bằng giờ mà được tính bằng từng giây, từng phút.
Hiện tại Phi Long đang dành tất cả niềm đam mê cho sân khấu kịch
Biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã
Anh tham gia nghệ thuật từ nhỏ có phải là do có sự định hướng từ gia đình?
Nhà tôi không có ai đi theo nghệ thuật. Tôi là người đầu tiên sau đó đến cháu gái Rubi Bảo An (từng tham gia chương trình Đồ Rê Mí năm 2011 và là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt giải Ấn tượng - PV). Với nghệ thuật, theo tôi, câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” là đúng nhất. Tôi không nhận được từ gia đình những điều cao siêu mà chỉ nhận được những điều giản đơn đến bình thường. Đó là những ánh mắt tin yêu của họ trước những thành công và thất bại trên con đường tôi đã chọn.
Anh từng tâm sự rằng, mình may mắn khi được trời cho khả năng cảm nhận nhân vật nhanh và khả năng sống cùng nhân vật rất lâu, đó có phải là nguyên nhân anh chuyển từ diễn viên múa sang diễn viên phim truyền hình?
Diễn viên múa và diễn viên phim truyền hình là hai trạm dừng chân trên một con đường dài, tuy nhiên sẽ rất khập khiễng khi nói rằng chỉ cần nhờ khả năng cảm nhân nhân vật và sống cùng nhân vật là đủ. Theo tôi, đó là cả một quá trình tự phân thân mình - không lặp lại mình - nhận diện từng cái tôi bên trong và phải mất một thời gian dài của sự can đảm tự quên mình ở một vai trò này để dấn thân vào một vai trò khác và ngược lại. Bạn không biết, trước đây, khi tôi múa, đồng nghiệp và thầy cô thường bảo: "Long múa kịch quá - phim quá!" và tất nhiên khi tham gia làm diễn viên lại được "mắng" là: "Long diễn "múa" quá!". Không thể phủ nhận rằng, thầy cô và các bạn đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi rất nhiều để tôi có khả năng biến hình phù hợp với từng thể loại.
Thế còn việc anh chuyển sang làm đạo diễn, có phải là do tư tưởng cầu tiến và cầu toàn?
Trở thành đạo diễn là một "lâu đài" lấp lánh trên hành trình nghệ thuật tôi từng mơ ước. Với tôi, nó không được gọi là cầu tiến hay cầu toàn mà nó là "N trong 1". Tất cả những thứ đó bổ trợ cho nhau và đó chính là xu hướng chung của những người làm nghề trong tương lai: Sự thống nhất trong sự đa dạng.
Ở cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013, chuyện thầy thi hay trò thi là vấn đề được đưa ra mổ xẻ khá nhiều. Là người đoạt huy chương Vàng, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi luôn trân trọng những giải thưởng mình đạt được, vì đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Cho dù phải đối mặt với nhiều áp lực nhưng tôi càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để khẳng định mình. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, tôi luôn bị chao đảo vì quá nhiều dư luận không hay. Có lúc, tôi còn bị rơi vào tâm trạng bấn loạn, không biết phải làm gì cho đúng. Báo chí đã nói rất nhiều về những dư luận này và tôi không muốn nhắc lại nữa, nhưng những gì diễn ra đã chứng minh một điều là ban giám khảo rất công tâm.
Anh tự nhận là người thẳng thắn và luôn biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã. Vậy, anh có thể chia sẻ về những khoảng thời gian đó không?
Thường, những thứ tôi làm chẳng giống ai và trở lực đầu tiên là phải vượt qua những cái nhìn khuôn phép. Dự án "Xin một cái tên" từng bị "đánh gục" vì nhiều lí do. Đang lúc tập trung cho ngày thi gần kề thì khoảng 3/4 diễn viên chúng tôi bị tai nạn, gặp chuyện gia đình, thậm chí có người bỏ cuộc vì sức ép quá lớn từ cuộc thi toàn quốc. Tôi cũng từng muốn bỏ cuộc, nhưng đâu đó có tiếng gọi thiêng liêng mách bảo tôi. Nó không mách bảo tôi làm tiếp mà mách bảo tôi hãy buông xuôi và bỏ hết. Đến khi tỉnh táo thì tôi nhận ra mình đã có mặt tại nghĩa trang Hài nhi núi Hòn Rơm. Chuyện tưởng như rất liêu trai nhưng có thực. Và khi quay về, mọi thứ trở nên hanh thông một cách bất ngờ. Tôi thấy còn nhiều thứ kì diệu lắm. Nhưng trong những lúc khó khăn thì mình vẫn có một niềm tin mãnh liệt vào thứ mình đang làm là vì nghĩa cử cao đẹp và vì những điều lương thiện. Hãy luôn giữ niềm tin của mình.
Đạo diễn Phi Long trong vở diễn do chính anh dàn dựng
Say mê khi diễn - nồng nàn khi sống
Bên cạnh việc đóng phim, làm đạo diễn, anh còn dự định đi hát, ra album, mở công ty cung cấp ballet dancer?
Giờ tôi đang dành tất cả niềm đam mê cho sân khấu kịch và tập trung thời gian làm thật tốt vai trò trên sân khấu của mình. Còn các tình yêu khác vẫn đang nằm trong tim, trong óc và tôi sẽ làm dần, chỉ cần còn sức là còn làm.
Anh từng có thời gian ở chùa để giải toả những áp lực do cuộc sống mang lại. Dường như, anh rất có niềm tin vào thế giới tâm linh?
Sự thanh tịnh và yên tĩnh chốn cửa chùa giúp tôi tìm lại sự cân bằng và thanh thản cho tâm hồn. Khi bạn quá stress, với mọi thứ diễn ra trong cuộc sống thì đây là một nơi tuyệt vời để bạn nghỉ ngơi và suy ngẫm về mọi chuyện. Chỉ khi nào thật sáng suốt, người ta mới tìm ra được hướng đi đúng cho mình. Với tôi, tin vào tâm linh có nghĩa là tin vào lẽ phải và những điều thiện nguyện. Còn trong nghề, tôi tin vào sự say mê và sự mách bảo của trái tim.
Phi Long trong nghệ thuật và Phi Long của cuộc sống thường nhật có khác nhau nhiều không?
Khác, nhưng rất thống nhất, điều đó không hề mâu thuẫn với nhau. Tôn chỉ của tôi là: "Say mê khi diễn - Nồng nàn khi sống", "Mãnh liệt sáng tạo - cực lực cống hiến".
Khó khăn mà những đạo diễn trẻ như anh gặp phải là không có đất để làm nghề?
Tôi có thể so sánh thế này, đất thì mênh mông, còn đạo diễn thì như những cánh chim. Chim phải biết chọn đất lành để đậu. Điều khó khăn là phải rèn luyện mình trở thành những cánh chim cứng cáp, cho dù phải hứng mọi cuồng phong hay bão tố vẫn có thể đủ sức để vượt qua.
Nhiều người gọi Phi Long là chàng đạo diễn kiêm... bán vé. Anh làm cả công việc này?
Ngay chỗ này, tôi cứ bị hiểu lầm. Nhiều người hỏi tôi sao không để một bộ phận khác cùng làm, nhưng vì tôn chỉ từ đầu của tôi và ekip là mang những tác phẩm sân khấu có tính thực tiễn cao - phục vụ các đối tượng khán giả cụ thể. Thêm vào đó, chất liệu làm nên những dự án sân khấu trong thời điểm hiện tại và tương lai là những vấn đề có tính thời sự, hóc búa, nên việc tôi học cách trân trọng nghe từng cuộc điện thoại, tỉ mẩn mang từng chiếc vé cho khán giả, dù họ ở bất cứ nơi đâu là để thể hiện một thái độ chân thành với những việc mình làm.
Kế hoạch trong thời gian tới của anh là gì?
Vở "Xin một cái tên" đã diễn được bốn suất ở các sân khấu của TP.HCM và sắp tới, tôi mong muốn sẽ sớm có điều kiện mang vở diễn ra thành phố Hà Nội biểu diễn để phục vụ khán giả Thủ đô. Tất cả tiền thu được trong đêm diễn, chúng tôi đều đóng góp vào quỹ "Xin một cái tên" để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh. Chúng tôi mong nhận được sự chung tay giúp sức từ các Mạnh Thường Quân và mọi người trong cộng đồng để Quỹ có thể giúp đỡ được nhiều hơn những số phận không may mắn trong xã hội. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta đóng góp một viên gạch thì lâu đài dành cho các em nhỏ sẽ ấm áp hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Sinh năm 1983, chàng trai gốc Bến Tre khởi đầu từ diễn viên múa sau đó đến diễn viên phim truyền hình. Anh tốt nghiệp khoa Đạo diễn sân khấu trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 2012. "Xin một cái tên" là vở diễn tốt nghiệp cũng là vở diễn đầu tay của Phi Long được anh mang đi tham dự cuộc thi "Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013" và bất ngờ giúp anh giành được HCV. Đây là giải thưởng lớn thứ hai của Phi Long, sau danh hiệu diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất cho vai Thái trong phim "Áo cưới thiên đường" (đạo diễn Nguyễn Võ Duy Ngọc) của giải Mai vàng năm 2009. |
Loan Thanh