Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 ghi nhận các khoản chi phí phát sinh mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, riêng trong quý I/2024, chi phí bán hàng của công ty ghi nhận đạt 21 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh nhiều hơn khoản chi phí vật liệu, bao bì và phí vận chuyển & phí khác. Trong đó, chi phí vận chuyển và các phí khác tăng vọt từ 3,5 tỷ đồng lên 9,3 tỷ đồng, tương đương tăng 2,6 lần so với quý I/2023.
Song song với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng tăng 65% lên 10,9 tỷ đồng; tăng chủ yếu là do phát sinh thêm chi phí nhân viên so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, Thủy sản Cửu Long An Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 316 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty vẫn cao hơn 50% cùng kỳ, đạt 39 tỷ đồng.
Nhờ ghi nhận thêm lãi chênh lệch tỉ giá phát sinh mà doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Thủy sản Cửu Long An Giang được đẩy lên 2,9 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 123%.
Trước sự bào mòn của các chi phí, Thủy sản Cửu Long An Giang dù báo lãi tăng 20% so với cùng kỳ nhưng vẫn chỉ dừng lại ở con số 2,2 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty ở mức 1.694 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu kỳ. Trong đó, chỉ số hàng tồn kho chiếm tới 64% cơ cấu tài sản với 1.091 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Thủy sản Cửu Long An Giang là 892 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với đầu kỳ. Trong đó vay và nợ thuê tài chính đạt 764 tỷ đồng, tất cả đều là nợ ngắn hạn.
Theo báo cáo mới công bố từ ABS Research nhận định, triển vọng kinh doanh năm 2024 của Thủy sản Cửu Long An Giang sẽ lạc quan hơn nhờ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu hồi phục dần khi lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, ABS Research vẫn lưu ý về tốc độ hồi phục có thể vẫn ở mức chậm trong giai đoạn đầu năm.
Bên cạnh đó, ABS cũng đưa ra một số lưu ý đối với việc nguồn cung cá tra dự kiến bị thu hẹp trong năm 2024 cũng như việc rủi ro chi phí vận chuyển tăng cao ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo đó, căng thẳng trên Biển Đỏ hiện nay đang gây ra khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng vì cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.
Bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, Bờ Tây (LA) tăng 800 USD - 1.250 USD, tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023, giá cước ở mức 1.850 USD tăng lên 2.873-2.950 USD cho tháng 1/2024.
Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100-4.500 USD cho tháng 1/2024.
Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi.