Ấy là xuất hiện một cái thư mời “về việc kết nối nông sản ủng hộ nông dân Việt” của thị trấn Chư Sê do Phó Chủ tịch thị trấn ký, kêu gọi bà con cả nước “giải cứu” khoai lang của bà con trồng đang bị ế.
Nghe nói các trường học ngoài Hà Nội đã rất nhiệt tình hưởng ứng. Dân ta có lòng thương người, nên các cuộc “giải cứu” bà con thường nhiệt liệt hưởng ứng. Đã từng có cam bưởi vân vân đổ đầy các sân chung cư, chỉ một buổi sáng là bán sạch. Bản thân tôi cũng nhiều lần mua dưa hấu “giải cứu”.
Nhưng lần này lại có chuyện không bình thường.
Thứ nhất là huyện, ngay lập tức khẳng định là, khoai lang của bà con không ế như công văn “giải cứu”.
Thứ hai, người ký công văn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Chư Sê, khẳng định công văn đã bị cắt ghép, không đúng ban đầu. Ban đầu ông ký vào đơn xin xác nhận của một gia đình trồng khoai lang, rằng khoai lang ấy trồng ở Chư Sê, chất lượng tốt, xuất xứ ở Nhật..., không có nội dung giải cứu, không gửi cả nước.
Theo báo Gia Lai, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Phòng Nông nghiệp và PTNT không nhận được báo cáo hay phản ánh nào của UBND các xã, thị trấn và người dân về việc sản phẩm khoai lang thu hoạch trên địa bàn huyện bị tồn đọng, không tiêu thụ được và cần đề nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Hiện nay, diện tích sản xuất khoai lang vụ mùa năm 2023 trên địa bàn huyện là 674 ha, năng suất đạt khoảng 145 tạ/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 9.786 tấn. Qua nắm bắt tình hình thực tế, với giá thu mua khoai lang trên thị trường dao động từ 20-25 ngàn đồng/kg, toàn bộ sản lượng khoai lang thu hoạch trên địa bàn huyện đều được các doanh nghiệp, lái buôn thu mua hết”.
Trong khi đó, theo “công văn giải cứu” thì khoai lang này sẽ được bán theo hình thức giải cứu tại Hà Nội, nhất là trong các trường học, với giá khoảng 30 tới 35 ngàn, tức lời khoảng 10 ngàn một cân. Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai nhắn tin cho tôi: Giải cứu gì mà lời tới 10 ngàn 1 cân. Và việc này không phải lần đầu. Một số phụ huynh bức xúc phản ánh tới lãnh đạo tỉnh Gia Lai và vị này kiểm tra thì mới lòi ra. Số khoai này được vận động tới các hội phụ huynh mua, và như đã nói, dân mình rất thương người, sẵn sàng chia sẻ. Nhưng mua về thì khoai hỏng, nên họ bức xúc. Phản ánh ngược lại, thì té ra cái công văn ấy đã bị/ được ký không đúng như “văn bản giải cứu” gửi các cơ quan ban ngành Hà Nội.
Ngay lập tức, huyện Chư Sê đã có văn bản thu hồi “thư mời kết nối ủng hộ” ấy, và kiểm điểm người ký, trên cơ sở là người ký đã tin cấp dưới, và công văn gốc chỉ là giới thiệu sản phẩm trên địa bàn quản lý của huyện chứ không đề cập việc “giải cứu, ủng hộ”.
Chuyện phía sau là, công văn này có nhắc đến một câu lạc bộ phóng viên trẻ, như sau: “thông qua Câu lạc bộ phóng viên trẻ làm cầu nối đến các Đoàn cơ sở, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn cả nước nói chung, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng quan tâm giúp đỡ bà con mua nông sản ủng hộ bà con mua nông sản ủng hộ nhân dân Tây Nguyên. Mặt hàng cần bán là khoai lang giống Nhật với giá bán dự kiến tại Hà Nội loại 1 dao động từ 30-35 ngàn đồng/ kg”. Và ghi rõ, người trực tiếp liên hệ là phóng viên M.C, có kèm số điện thoại đề là “số điện thoại phục vụ công tác xã hội: 0588936752”. Điều lạ là, công văn thì nói là khoai lang của thị trấn Chư Sê, nhưng trong nội dung kêu gọi lại là “ủng hộ nhân dân Tây Nguyên”. Và điều lạ tiếp theo là, sau đó nhiều người, cả người đã “mua giải cứu” và người “được giải cứu” gọi vào số máy của phóng viên M.C đều không được. Khá nhiều khoai lang “giải cứu” đã được các trường học “giải cứu”.
Vị lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng cung cấp cho tôi “thư ngỏ kết nối tiêu thụ nông sản cam sành tỉnh Vĩnh Long” của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cũng liên hệ qua phóng viên Mai Chi, cũng số điện thoại trên. Theo thư ngỏ thì giá cam bán tại Hà Nội sẽ là từ 18 tới 25 ngàn đồng/kg, đóng sẵn 5kg/1 túi.
Đại diện hợp tác xã có thư ngỏ khẳng định hai việc, một là không nhắc, không nhờ tới phóng viên Mai Chi như trong thư. ““Chúng tôi chỉ gửi lên tỉnh và gửi cho bạn hàng ngoài đó để nhờ họ hỗ trợ giúp trong việc tiêu thụ cam” – đại diện HTX Cam sành Khánh Nhân cho hay” (trích báo TP). Và hai, giá cam sành tại vườn hiện nay chỉ khoảng 3 ngàn đồng/ kg. Nếu bán đúng giá như “thư ngỏ” thì mỗi kg cam, những người thực hiện “thư ngỏ” lời nhấp nhỉnh tới hai chục ngàn/kg.
Rõ ràng, phía sau sự “ủng hộ nông dân” và “thư ngỏ” này có vấn đề. Vị lãnh đạo tỉnh Gia Lai đặt vấn đề, có cái CLB phóng viên trẻ ấy làm việc ấy thật không? và 2, nó hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, tức là có tổ chức.
Như đã nói, dân ta ngày càng có ý thức thương yêu san sẻ cho nhau trong khó khăn hoạn nạn, từ lũ lụt tới cháy nổ, từ dịch bệnh tới những ngặt nghèo đột xuất. Nhưng trong ấy, không loại trừ có những việc bị lợi dụng. Chúng tôi chưa kết luận việc “giải cứu” với “thư ngỏ” này đúng sai thế nào, nhưng với việc chênh lệch giá tới như thế, với việc thay đổi nội dung công văn như thế, và cả “tập trung đầu mối” vào một người nhưng rồi không liên hệ được như thế, có cảm giác, lòng tốt đang bị lợi dụng.
Hiện tại thì, việc ở thị trấn Chư Sê đang được các ban ngành của tỉnh Gia Lai, huyện Chư Sê tiếp tục xử lý, trong đó có nhờ các cơ quan báo chí thông báo hộ, họ không có ý định nhờ vả như thế, rằng họ đã thu hồi thư mời, tức nó không còn giá trị sử dụng, không có hiệu lực pháp lý, không còn hiệu lực.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.