Trước đó, lực lượng thân Chính phủ Syria đã tiến vào Afrin. Việc triển khai quân của lực lượng thân Syria là một động thái đáp trả đối với chiến dịch “Nhành Oliu” mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành nhằm chống lại các chiến binh người Kurd YPG.
“Chính phủ Syria đã phản ứng đối với lời kêu gọi của chúng tôi và điều các đơn vị quân đội tới vào hôm nay, ngày 20/2/2018. Họ được triển khai ở dọc vùng biên giới và sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của Syria”, người phát ngôn YPG Nuri Mahmoud cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết binh đoàn gồm hàng trăm chiến binh được trang bị vũ khí hạng nặng đã buộc phải rút lui sau khi Ankara bắn phá dữ dội. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói giảm nói tránh về vụ việc này, cho rằng các binh đoàn trên là các chiến binh địa phương tự hoạt động mà không có sự hỗ trợ của chính quyền Damascus. Ông Erdogan nói thêm rằng “vấn đề đã khép lại”.
Chính quyền Damascus vẫn chưa bình luận gì về vụ việc.
Trong khi đó, theo VOA News, lực lượng được triển khai tới Afrin nêu trên được cho là của Chính phủ Syria và các chiến binh do Iran hậu thuẫn, gồm những nhóm người của Hezbollah. Một số đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng được trang bị kỹ lưỡng, gồm xe và tăng bọc thép, đã được chuyển tới vùng Afrin.
Nga, Iran tham vấn
Ông Erdogan hôm 20/2 cho hay ông đã cảnh báo người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin, trong một cuộc điện đàm vào một ngày trước đó rằng Damascus sẽ phải “đối mặt những hậu quả nghiêm trọng” nếu đưa quân tới Afrin để hậu thuẫn cho các chiến binh YPG.
Ngày 19/2, đài truyền hình quốc gia Syria cho hay Damascus đã đạt được một thỏa thuận với YPG, cho triển khai lực lượng nhằm trấn giữ Afrin.
Trong một bài phát biểu mới đây, ông Erdogan tuyên bố thị trấn lớn nhất của vùng Afrin, cũng có tên Afrin, sẽ bị vây hãm “trong những ngày tới”. Ông Erdogan cũng cho biết sau khi nói chuyện với những người đồng cấp Iran và Nga, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cản trở một thỏa thuận giữa Damascus và YPG trong việc hỗ trợ các chiến binh người Kurd chống lại sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch “Nhành Oliu” cho tới khi chiến binh Kurd cuối cùng bị đẩy lùi khỏi vùng đất Afrin.
Damascus đã phản đối chiến dịch này, gọi đó là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Syria và cam kết sẽ quyết liệt tới cùng, nhưng cho tới nay vẫn chưa có những hành động cụ thể.
“Tôi không nghĩ là Ankara và Damascus thực sự nóng lòng tính đến việc đối đầu trực tiếp. Nhưng điều thực sự nguy hiểm là Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn Quân đội Syria Tự do (FSA) còn chính quyền Assad thì có trong tay lực lượng chiến binh ủng hộ Chính phủ. Hai lực lượng này có mối thù máu với nhau, do đó một cuộc giao tranh trực tiếp là khả năng dễ xảy ra”, Metin Gurcan, chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét.
Nga kêu gọi đàm phán
Những căng thẳng ngày càng gia tăng hiện tại là cơn đau đầu cho Nga. Moscow là bên hậu thuẫn mạnh mẽ đối với chính quyền Assad, nhưng đồng thời Nga cũng coi Ankara là một thành phần quan trọng trong nỗ lực nhằm kết thúc cuộc nội chiến Syria bởi Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ đối với các lực lượng phiến quân đối lập Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 20/2 cho hay tình hình ở Afrin chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa Ankara và Damascus.
Ông Erdogan thì cho rằng Ankara không thể đối thoại với chính quyền Tổng thống Assad. Do đó, các chuyên gia quân sự cho rằng mục tiêu chính của Nga lúc này là mở đối thoại giữa Ankara và Damasus nhằm kết thúc nội chiến.
Một khi các lực lượng do Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực tiếp, Nga sẽ buộc phải lực chọn đứng theo một phía nào đó, trong khi Kremlin đang kiểm soát không phận của Syria và hiện đang cho phép máy bay Thổ Nhĩ Kỳ được hỗ trợ chiến dịch tại Afrin.
“Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ - với máy bay, xe tăng và pháo kích – có thể kéo dài được cho tới ngày hôm nay là nhờ có sự hỗ trợ gián tiếp từ Nga, đồng minh lớn nhất của chính quyền Assad, cùng với Iran”, chuyên gia an ninh Thổ Nhĩ Kỳ Murat Yetkin nói.
Sau cùng thì Moscow vẫn phải là bên đứng ra giải quyết những căng thẳng hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
“Nga, tới cuối cùng vẫn cần cả Damascus và Ankara ngồi cùng trên bàn đàm phán, nhằm kiểm soát các nhóm phiến quân đối lập có vũ trang Sunni và biến họ thành một lực lượng chính trị nhằm duy trì tiến trình chuyển đổi chính trị”, chuyên gia quốc phòng Gurcan nói. “Tôi không nghĩ rằng Moscow sẽ dễ dàng để sụp đổ bàn đàm phán rất công phu mà họ đã xây dựng trong hơn 1 năm qua”, ông kết luận.