Tay trắng lập kỷ lục hoa
Tuổi thơ của Lê Thị Lương gắn liền với ruộng đồng, khó khăn cứ thế nối tiếp nhau giữ chân cô ở vùng quê Tứ Liên (Hà Nội). Từ bé, Lương đã theo anh, chị ra chợ bán hàng, khi đi học cô đã phải bán hàng xén ở chợ để lấy tiền lo liệu cho cuộc sống qua ngày. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, không có điều kiện học tiếp, Lương đã đi bán hoa dạo khắp phố phường Hà Nội. Tình yêu hoa cứ thấm dần vào tâm hồn cô chính từ những tháng ngày vất vả ấy.
Bà chủ siêu thị hoa Lê Thị Lương
Tháng ngày bán hoa dạo chính là quãng thời gian để cô tìm hiểu những nhu cầu của thị trường hoa, từ việc chọn loài hoa để bán vào ngày nào cho hợp lý, bó hoa theo kiểu dáng nào... Khách hàng cũng quen dần với cô gái nhỏ nhắn vui tươi ngày ngày đạp xe chở hoa đi dọc các ngõ phố.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Lương lúc bấy giờ nếu chỉ gói những bó hoa đơn giản theo cảm tính của bản thân thì đến một lúc nào đó thị khách hàng sẽ không còn cần đến mình nữa. Vì vậy, Lương đã quyết định đi học một lớp cắm hoa chính quy tại một trường dạy nghề. Tằn tiện để dành được chút tiền làm vốn, Lương táo bạo nghĩ đến chuyện kinh doanh hoa.
Đã kinh doanh thì luôn phải tạo ra cái mới, cái đặc sắc, từ ý nghĩ đó Lương quyết định sẽ làm một bó hoa cưới thật lớn. Nhưng khi đem sáng kiến đó ra trao đổi với người thân thì bị gạt đi, phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, sự ngăn cản của mọi người cũng không làm cô từ bỏ ý tưởng của mình. Để thực hiện được một bó hoa hình thác nước có khối lượng nặng trên 2 tấn, dài gần 100m, chiều ngang 8m, cần tới 50 vạn bông hoa gồm các loại hoa hồng, ly, cúc... đặc biệt là lay ơn.
Nguồn hoa ở Hà Nội không đủ để đáp ứng, Lương phải liên hệ với các chủ hoa ở Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Trung Quốc, Hà Lan... mới gom đủ. Ngoài hoa còn cần đến 200kg sắt, 7.000m dây thừng loại tốt, thép ống, xốp... Riêng phần chuẩn bị nguyên phụ kiện đã mất gần 2 tháng.
Khi bắt tay vào thực hiện thì khó khăn lớn nhất đối với Lương là làm sao có được độ cao cần thiết để làm. Việc đầu tiên là dựng cốt để cắm hoa, đôi tay Lương thoăn thoắt cắm hoa vừa chỉ đạo mọi người phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển đan thành thảm hoa. Từng thảm hoa được cần cẩu nâng lên, lắp ráp vào cốt.
Ròng rã suốt 3 ngày làm việc liên tục, bó hoa cưới đã được hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, điều Lương lo nhất là thời tiết. Cô nơm nớp lo đến nỗi không ăn, không ngủ chỉ sợ chẳng may mưa thì chỉ còn cách ngồi khóc. Mắt Lương thâm quầng, gầy đi nhiều sau những ngày vất vả vì bó hoa cưới. May thay, thiên thời, địa lợi... đã giúp cho cô hoàn thành được công việc theo ý mong muốn.
Trong Lễ hội cưới năm đó cùng với 55 cặp cô dâu, chú rể, bó hoa "khổng lồ" ấy đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công đặc biệt. Nó đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng người dân Hà Nội và du khách đến tham quan. Họ trầm trồ, thán phục xen lẫn sự kinh ngạc. Còn trong thâm tâm Lương thì lo lắng không biết sẽ tính chuyện lấy gì để trả nợ và kinh doanh tiếp.
Có lẽ hoa đối với Lương đã thấm sâu thành duyên nợ của cuộc đời. Không thể dừng lại ở đó, cô tiếp tục vay mượn và quyết sống chết vì hoa. Sau một năm, chiếc váy cưới bằng hoa lớn nhất Việt Nam xuất hiện làm mọi người một lần nữa ngạc nhiên. Nó được dệt nên từ 20.000 bông hoa đủ các loại tạo nên khối màu rực rỡ. Riêng phần thân áo được làm bằng hoa màu tím hồng. Phần váy xòe rộng được đính từ bách nhật đỏ, cúc, lan... tạo nên một hình khối tựa như tấm dải lụa.
Khi làm xong chiếc áo cưới độc đáo này mọi người đều vui vẻ ướm thử. Nhiều người xúc động một lần trong đời được mặc chiếc váy cưới bằng hoa kỷ lục. Sự táo bạo trong kinh doanh, tình yêu hoa mãnh liệt đã tạo nên những nét độc đáo về hoa. "Em phấn đấu làm tất cả những việc này nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình với hoa và để đỡ tủi thân về những ngày tháng khó khăn trước đây của mình" - Lương tâm sự.
Mở lớp cắm hoa nhân đạo
Giờ đây, trở thành cô chủ siêu thị hoa Ly Ly ở 40 Yên Phụ (Hà Nội) nên Lương khá bận rộn với những đơn đặt hàng trong Nam ngoài Bắc. Những chuyến thực tế Đà Lạt, Huế... giúp cô có những cái nhìn mới lạ trong việc làm mới các phương pháp cắm hoa một cách hiện đại. Rồi cô đại diện cho người Hà Nội đi tham dự Festival Hoa tại Đà Lạt. Siêu thị hoa mà cô làm chủ mới mở chưa được bao lâu nhưng đã nhiều khách hàng tìm đến và nhận được những đơn hàng lớn từ các hội nghị, đến các khách sạn...
Lê Thị Lương bên chiếc váy cưới bằng hoa - kỷ lục Việt Nam
Không dừng ở việc bán hàng cô còn tư vấn cho khách cách bảo quản hoa được lâu và không ngần ngại truyền lại những bài học kinh nghiệm từ việc cắm hoa cho người khác. Vốn xuất thân từ một gia đình nghèo nên Lương thấu hiểu nỗi khổ của những người không có công ăn việc làm. Cô đã mở những lớp dạy nghề miễn phí cho trẻ em nghèo, bao giờ thành nghề thì thôi. Đến nay, đã có hàng trăm người mở được cửa hàng riêng, ăn nên làm ra. Có những người Việt Nam đang định cư tại Đức đã về học nghề cắm hoa để sang đó lập nghiệp.
Không những vậy, cô còn lập CLB dành cho những người yêu hoa, là nơi trò chuyện, hướng dẫn kinh nghiệm, trao đổi làm ăn. Rồi cô bớt những đồng lãi đến thăm các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi, nhận các em về dạy nghề cắm hoa.
Lương kể: "Một lần có người đàn ông tìm đến cửa hàng hoa và chỉ ngồi lẳng lặng nhìn em làm việc cả ngày. Em biết trong lòng người đàn ông đó có điều gì khó nói. Em chủ động tâm sự mới biết được nỗi niềm sâu nặng của một người làm cha. Bác ấy bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh và đã truyền di chứng ấy cho đứa con gái tội nghiệp. Gần 30 năm, cô gái tật nguyền ấy không dám bước chân ra khỏi nhà và nay có nguyện vọng được học cắm hoa. Bác ấy xin được đưa con gái mình đến cơ sở của em và không ngần ngại em đã nhận lời dạy miễn phí".
Từ một cô gái đi lên với 2 bàn tay trắng, vay mượn để mở cửa hàng hoa chỉ rộng 10m2, đến nay cô đã tạo thương hiệu hiệu cho riêng mình bằng siêu thị hoa rộng gần 100m2 tại phố Yên Phụ. Bạn bè người thân luôn gọi cô với những cái lên thân thiện "Lương hoa" hay "cô gái săn kỷ lục hoa"...
Tới đây, Lương sẽ biến ước mơ thành lập công ty chuyên kinh doanh hoa và chuyên dạy nghề cắm hoa nhân đạo của mình thành hiện thực. Cổ tích của cô gái làng hoa chính là việc làm đẹp cho đời từ những bông hoa tươi thắm và tình người đằm thắm đôn hậu qua các lớp học cắm hoa cho những người khuyến tật khi đang ở tuổi 8X.
Huy Khánh