Hai tuần trước, 3 sĩ quan thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ đã thiệt mạng sau khi bị phục kích ở Niger, một quốc gia ở Tây Phi, giáp ranh với Mali.
Năm sĩ quan Mỹ, trong đó có hai người bị thương, ba người thiệt mạng sau cuộc tấn công, đã cùng tham gia tuần tra với lực lượng quân đội Niger vào thời điểm cuộc đột kích diễn ra. Họ là những người đầu tiên thương vong trong hoạt động chống khủng bố tại châu Phi, được khởi động từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Lý do gia tăng hoạt động quân sự
Niger được đánh giá là một căn cứ vững chắc phục vụ các hoạt động của Lầu Năm Góc ở châu Phi, theo đánh giá của cây viết Alexander Khrolenko đang làm việc tại hãng thông tấn Nga RIA Novosti.
Chỉ huy Mỹ tại châu Phi trong một tuyên bố cho hay, lực lượng lính mũ nồi xanh của Mỹ đang tham gia vào công tác huấn luyện lực lượng địa phương chống lại những phần tử cực đoan Boko Haram.
Mỹ cũng xây dựng một căn cứ máy bay không người lái trị giá 50 triệu USD tại Agadez, một thành phố ở Niger. Từ nơi đây, lực lượng quân đội Washington có thể khởi động các chiến dịch trinh sát và đột kích theo các hướng Libya, Mali và Nigeria.
Được biết, một số đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ cũng đã tham gia các hoạt động quân sự tại châu Phi. Pháp có một căn cứ ở biên giới Libya-Niger. Nước này cũng khởi động chiến dịch mang tên Barkhane nhằm tiêu diệt tổ chức Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel, đồng thời một số binh sĩ Pháp cũng thực hiện những nhiệm vụ quân sự tại Niger.
Kể từ mùa Xuân năm 2016, Anh bắt đầu hỗ trợ Pháp tại Niger trong chiến dịch Barkhane. Trong khi đó, Đức được phép xây dựng một phòng tuyến tại Niger nhằm hỗ trợ vật lực cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở phía Tây châu Phi, trong đó có Mali.
Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng đang thực hiện một sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali (gọi là MINUSMA) với ngân sách hàng năm lên tới 1 tỷ USD.
So sánh với các quốc gia châu Phi khác, Mali, trước đây từng là thuộc địa của Pháp, đã tương đối ổn định hơn.
Nền kinh tế của nước này phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp (38% GDP) và khai thác uranium (12% GDP). Gần 3.000 tấn uranium được xuất khẩu hàng năm từ Mali tới Pháp, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Như vậy, Lầu Năm Góc cùng các quốc gia đồng minh đang gia tăng các hoạt động quân sự tại lục địa đen, đặc biệt ở khu vực gồm các nước Niger, Mali, Nigeria...
Không phải ngẫu nhiên mà liên minh này hành động như vậy, mà phía sau đó là những chiến lược nhằm làm lợi cho mỗi quốc gia, đặc biệt là khai thác về mặt kinh tế.
Tại sao là châu Phi?
Nhận định về động cơ của Washington và các nước đồng minh châu Âu, nhà báo Nga Alexander Khrolenko đã chỉ ra những lý do phía sau động thái tăng cường hiện diện quân sự của phương Tây tại châu Phi, dưới danh nghĩa các cuộc chiến chống khủng bố.
“Phương Tây lợi dụng các nhóm khủng bố để tiếp tục gây ra sự bất ổn định ở nhiều khu vực xung đột khác nhau trên thế giới. Một trong những mục tiêu của họ là nhằm kiểm soát các nguồn năng lượng thiên nhiên tại lục địa này. Khoảng 1.700 lính Mỹ đã tham gia các sứ mệnh ở 32 quốc gia châu Phi, nhưng họ đã làm gì giúp mang tới hòa bình và ổn định cho khu vực?”, ông Khrolenko viết.
Thực ra, Washington từ lâu đã không giấu giếm về động cơ khiến họ tăng cường quân lính tới lục địa đen.
Vào năm 2001, Lầu Năm Góc đã đưa ra chiến lược sử dụng lực lượng quân sự Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho các nguồn tài nguyên khoáng sản ở những quốc gia châu Phi, bao gồm dầu mỏ, vàng, kim cương, uranium, đồng, bô-xít...
Chính sách trên cho thấy chiến lược thực dụng của Mỹ mà Lầu Năm Góc không ngại công khai.
“Duy trì tốc độ tiêu thụ hiện tại của các nguồn tài nguyên thiên nhiên châu Phi là sự bảo vệ có hệ thống của Mỹ đối với lợi ích quốc gia họ. Đồng thời, các nhóm cực đoan và chiến binh thánh chiến là cái cớ giúp sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Phi trở nên hợp lý trong mắt cộng đông quốc tế”, ông Khrolenko nói.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi không dễ dàng đối với Mỹ, bởi ngoài Washington các quốc gia phương Tây, nhiều nước lớn khác cũng đang tìm cách tìm kiếm chỗ đứng tại lục địa giàu có tài nguyên này, điển hình là Trung Quốc.
Trung Quốc "gằm ghè" Mỹ?
Với việc Trung Quốc xây dựng căn cứ đầu tiên ở Djibouti và điều binh sĩ tới, Mỹ có khả năng sẽ bị suy giảm vị thế ít nhiều ở châu Phi. Thậm chí, căn cứ này còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, bởi Lầu Năm Góc hiện cũng có 4.000 nhân sự bao gồm binh lính, chuyên gia cùng lực lượng hoạt động đặc biệt tập trung tại trại Lemonnier ở Djibouti.
Đây là cơ sở giám sát hoạt động bay không người lái của Mỹ, cũng như trung tâm dịch vụ hậu cần cho sứ mệnh chống cướp biển, hỗ trợ nhiều nhiệm vụ đa phương khác trong khu vực.
Với một quốc gia có vị trí đắc địa như Djibouti, việc các “ông lớn” cùng quan tâm không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, chính điều đó đã thúc đẩy Washington và Bắc Kinh buộc phải tham gia vào cuộc chạy đua tại khu vực.
Việc Trung Quốc “nhảy vào” Djibouti giống như một động thái nhằm cảnh báo Mỹ về những kế hoạch của Bắc Kinh trong tương lai.
Châu Phi sẽ không chỉ là “cuộc chơi” của riêng nước Mỹ và các đồng minh phương Tây, mà nó sẽ trở thành một bàn cờ nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng chính trị để thu lợi về kinh tế.
Chính sách của Trung Quốc ở lục địa đen ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới chiến lược của Washington và đồng minh, điều đó hiển nhiên không khiến Mỹ hài lòng.
Do vậy, nhiều chuyên gia lo ngại rằng không chỉ Djibouti mà toàn bộ khu vực châu Phi sẽ trở thành một sân khấu với những âm mưu, hoạt động gián điệp và phản gián thông qua hoạt động theo dõi chặt chẽ lẫn nhau giữa các quốc gia.
Xem thêm: Liên quân Mỹ "thập diện mai phục", lính IS nước ngoài ở Raqqa như cá trên thớt
D.T